Phát huy "sứ mệnh" chăm sóc sức khỏe vật nuôi
BHG - Với “sứ mệnh” chăm sóc sức khỏe vật nuôi, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã nỗ lực hết mình đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển bền vững.
Tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi cho cán bộ thú y cơ sở. |
Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vừa góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu. Thực hiện Đề án “Nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” của tỉnh; các địa phương đã áp dụng linh hoạt, hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh; đặc biệt là Nghị quyết số 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh khuyến khích người dân đầu tư phát triển chăn nuôi hàng hóa; từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong chăn nuôi, từ nhỏ lẻ, truyền thống sang quy mô tập trung, hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có trên 166.130 con trâu; 119.890 con bò; trên 575.360 con lợn; 166.890 con dê; trên 4,9 triệu con gia cầm; 50.582 tổ ong. 6 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản đạt 754,5 tấn; thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 1.585 con trâu, bò.
Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển ổn định; ngay từ đầu năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Chi cục tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn các xã, thôn, hộ gia đình cách phòng, chống đói, rét, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa Đông; phun vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh; cung ứng 949.895 liều vắc xin và triển khai tiêm phòng được 394.891 lượt con gia súc. Chốt kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy thường xuyên thực hiện kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật trái phép. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi cũng được ngành đặc biệt quan tâm.
Hiện, việc chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi tái phát và có nguy cơ lan rộng. Đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn về giám sát, xử lý dịch bệnh; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tái đàn sau dịch. Đến nay, toàn tỉnh đã tái đàn được 63.306 con lợn; trong đó, trên 80% là giống địa phương và tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh, như: Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng, HTX Tuấn Dũng, Công ty TNHH Gia Huy, trang trại Hà Huy.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trịnh Văn Bình, cho biết: “Để đẩy mạnh việc tăng tổng đàn gia súc, gia cầm, tăng số lượng gia súc xuất bán, phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi năm 2020 đạt 30% theo Kế hoạch của UBND tỉnh, trong thời gian tới, ngành Chăn nuôi và Thú y tập trung tháo gỡ khó khăn cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng; tiếp tục thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò; kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi hàng hóa; triển khai hiệu quả chương trình bảo hiểm nông nghiệp cho đàn trâu, bò; chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN