Nghề nuôi lợn giống ở Bắc Mê
BHG - Xuất chuồng nhanh, giá thành cao và nhu cầu thị trường lớn… đã tạo sức hút cho người dân huyện Bắc Mê đầu tư nuôi lợn giống.
Gia trại nuôi lợn giống của gia đình anh Nguyễn Văn Bách, thôn Nà Quặc, xã Phú Nam. |
Với giá thành thịt lợn hiện đang ở mức cao, dao động từ 150 – 200 nghìn đồng/kg; đặc biệt, sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhu cầu tái đàn và tăng đàn của người dân cao,… là những nguyên nhân tác động trực tiếp đến nhu cầu mua lợn giống và phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện; một địa phương duy nhất của tỉnh không mắc DTLCP. Đánh giá về sự chủ động và diễn biến của ngành chăn nuôi, đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Bằng biện pháp tuyên tuyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành; DTLCP đã tác động làm thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân. Đặc biệt, việc nâng cao công tác phòng dịch và xây dựng các gia trại, trang trại quy mô… Cùng với đó, là sự tác động từ nhu cầu của xã hội và uy tín của lợn bản địa đã trở thành động lực để người dân đầu tư xây dựng các gia trại và tạo nguồn giống cung cấp cho thị trường. Qua đó, đã đẩy mạnh phát triển cho ngành chăn nuôi của huyện”.
“Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng đàn lợn của huyện đạt khá cao, với tổng đàn hiện có trên 38 nghìn con; tăng 0,7% so với cùng kỳ. Là địa phương duy nhất trong tỉnh không xảy ra DTLCP đã trở thành lợi thế trong việc duy trì nguồn giống và cung cấp lợn thịt ra thị trường; qua đó, giúp người dân nguồn có thu nhập cao, ổn định từ việc chăn nuôi lợn. Thời điểm hiện tại, nhu cầu về lợn giống để phát triển đàn của người dân trong huyện rất lớn; bởi vậy, tại 12 gia trại của huyện cũng chuyển hướng sang sản xuất lợn giống và trở thành nơi cung cấp giống cho người chăn nuôi trong huyện và các địa phương lân cận. Qua đó, đã giúp khắc phục được tình trạng khan hiếm lợn giống…”, đồng chí Đỗ Nguyễn Quyết, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Mê chia sẻ về xu hướng chăn nuôi mới.
Có kinh nghiệm, sẵn lợn nái sinh sản; anh Nguyễn Văn Bách, thôn Nà Quặc, xã Phú Nam chia sẻ: “Từ mục đích nuôi lợn nái nhằm cung cấp nguồn giống cho gia đình nên đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc và nuôi lợn sinh sản. Nhận thấy nhu cầu của người dân về lợn giống, từ 2 lợn nái ban đầu; nay, gia đình đã đầu tư và phát triển lên 6 lợn nái, cùng với đó là đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố; bằng việc xuất bán lợn giống, đã giúp gia đình thu nhập gần 100 triệu mỗi năm…”.
Khác với những gia trại lớn khi chuyển đổi hoàn toàn sang chăn nuôi lợn nái, gia đình anh Nông Văn Lưu, thôn Nà Lá, xã Minh Ngọc, chia sẻ: “Giá lợn con giống hiện đang dao động từ 200 – 250 nghìn đồng/1kg và nhu cầu mua giống của người dân tăng cao; để đáp ứng nhu cầu cho mục đích chăn nuôi và tăng nguồn lợi kinh tế, gia đình đã lựa chọn phát triển thêm đàn lợn nái, kết hợp nuôi lợn thịt; vừa tạo nguồn thu nhập ổn định và giúp cung ứng giống phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện, gia đình đang có 4 lợn nái, hằng năm, xuất bán từ 2 – 3 lứa lợn…”.
Toàn huyện Bắc Mê hiện có hơn 65 nghìn lợn nái, qua đó, đã góp phần tạo nguồn giống ổn định và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi trong thời điểm hiện tại. Việc thị trường lợn giống sôi động đã trở thành điểm kích cầu, giúp bà con đẩy mạnh đầu tư và chú trọng hơn trong việc chăm sóc và tìm đầu ra cho sản phẩm. Huyện cũng lưu ý người dân nên cẩn trọng trong việc tăng đàn và chú trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể; tránh tăng đàn ồ ạt.
Bài, ảnh: Hoàng Yến