Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng
BHG - Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, công tác QL-BVR đã có sự chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước về BVR cũng như tình trạng phá rừng quy mô lớn đã được ngăn chặn; độ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, công tác QL-BVR trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế; đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở để nâng cao hơn nữa hiệu quả QL-BVR và phát triển rừng trong những năm tiếp theo.
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh hướng dẫn người dân xã Ngọc Đường (TPHG) đăng ký nhận tiền dịch vụ môi trường rừng qua thanh toán điện tử. |
Theo thống kê hiện nay, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (bao gồm đất có rừng và đất chưa có rừng) toàn tỉnh là 576.206 ha; tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh năm 2019 là 58%, tăng 3,16% so với năm 2015. Công tác QL-BVR, quản lý lâm sản có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, ngành chức năng đặc biệt chú trọng đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng. Kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 4.000 thành viên; thành lập được 1.990 tổ, đội BVR thôn, bản.
Từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực đến nay, trên địa bàn tỉnh mới thực hiện chuyển đổi hơn 1,2 ha rừng trồng sản xuất sang mục đích khác (phục vụ cho QP – AN và dự án cấp thiết do Chính phủ phê duyệt); việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được thực hiện nghiêm theo quy định. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra tình hình sản xuất, chế biến lâm sản; phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật. Công tác quản lý máy cưa xăng cũng được các địa phương và ngành chức năng tăng cường.
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án BVR cũng được triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia nhận khoán BVR. Tổng diện tích hỗ trợ giao khoán thực hiện khoanh nuôi BVR giai đọan 2016 – 2020 là 829.326 lượt ha. Diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 342.108,83 ha; chiếm 74,4% diện tích rừng toàn tỉnh. Nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ khi thực hiện chính sách đến nay là 503.931,387 triệu đồng; số tiền đã giải ngân là 351.369,052 triệu đồng, số còn lại sẽ được chi trả cho các chủ rừng trong năm 2020. Qua đó, đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác BVR; đồng thời tạo việc làm, cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Tuy nhiên, công tác QL-BVR trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, nhất là tình trạng phá rừng, khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép ở một số địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc ngăn chặn, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi; các vụ cháy rừng có xu hướng gia tăng cả về số vụ và diện tích thiệt hại. Đánh giá về nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Hiện, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của rừng; mặt khác, lợi nhuận của việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản khá cao dẫn đến một số nơi còn xảy ra tình trạng người dân phá, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái phép. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành chưa được đồng bộ, liên tục; vai trò lãnh, chỉ đạo, điều hành của một số địa phương trong công tác QL-BVR thiếu quyết liệt…
Xác định rõ những hạn chế trên, vừa qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả QL-BVR với sự tham gia của Hạt Kiểm lâm các huyện, các Ban quản lý rừng đặc dụng, lãnh đạo các huyện, thành phố. Trong đó, nhiều giải pháp cụ thể đã được đưa ra, như: Đẩy mạnh phổ biến Luật Lâm nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân, vận động người dân tích cực tham gia BVR; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, truy quét, giải quyết dứt điểm các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lâm nghiệp từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân sống gần rừng… Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ và phát triển rừng.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương