Mèo Vạc phát triển kinh tế hợp tác xã
BHG - Hiện nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc có 45 HTX với 414 thành viên; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.100 lao động. Các HTX thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 15 HTX, lĩnh vực dịch vụ tổng hợp, xây dựng 17 HTX; còn lại là các lĩnh vực khác. Những năm qua, việc phát triển loại hình kinh tế HTX luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ cũng như hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Nhờ đó, mô hình HTX không chỉ phát triển về số lượng mà còn đa dạng về hình thức và hoạt động hiệu quả; đồng thời tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động; góp phần đẩy mạnh xây dựng NTM trên địa bàn. Một số HTX tiêu biểu, như: HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Dũng (tổ 2, thị trấn Mèo Vạc), doanh thu hằng năm đạt trên 7,6 tỷ đồng; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng (thôn Há Chế, xã Tả Lủng), doanh thu ước đạt 600 triệu đồng/năm; HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đại Dương (thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi), doanh thu hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng…
HTX Hoa Long (tổ 3, thị trấn Mèo Vạc) sử dụng máy móc hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. |
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn đối với các HTX trên địa bàn: Đó là, phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh manh mún; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, nghề; cũng như chưa có các hình thức liên doanh, liên kết bền vững với các doanh nghiệp. Việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, phần lớn sản phẩm sản xuất ra do hộ tự bán; số HTX hoạt động hiệu quả chưa nhiều (6 HTX); lợi nhuận của HTX còn khiêm tốn; doanh thu bình quân của các HTX ước đạt từ 300 – 500 triệu đồng/năm; thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 3,5 – 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ quản lý của cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế, tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao. Hiện, số lượng cán bộ quản lý HTX là 48 người; trong đó, trình độ sơ, trung cấp là 23 người và trình độ cao đẳng trở lên là 7 người. Nhiều HTX chưa mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại; dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa cao. Mặt khác, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX còn ít; một số cơ chế chính sách khó tiếp cận và thiếu nguồn lực hỗ trợ, chưa thực sự đi vào thực tiễn, như: Tín dụng, đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu... Thêm nữa, hầu hết các HTX sử dụng nhà của thành viên để làm trụ sở làm việc; đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về HTX từ huyện đến xã còn thiếu cán bộ chuyên trách, hầu hết là kiêm nhiệm…
Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, phát triển kinh tế tập thể, trong đó, nòng cốt là kinh tế HTX kiểu mới là một tất yếu trong xu hướng phát triển; đặc biệt, kinh tế HTX là có vai trò rất quan trọng đối với cư dân nông nghiệp, nông thôn; là phương thức để người dân nông thôn thoát nghèo và vươn lên làm giàu... Do vậy, nhằm tháo gỡ những hạn chế, khó khăn; đồng thời củng cố, nâng cao vị trí của loại hình kinh tế HTX; hiện nay, huyện tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế HTX trong nông nghiệp, tăng cường đầu tư của nhà nước và xã hội; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học với công nghệ tiên tiến. Đồng thời, khuyến khích phát triển bền vững kinh tế HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng…
Trên tinh thần đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm phát triển mới từ 4 – 5 HTX và đến năm 2030 có 80% HTX hoạt động có lãi…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ