Gỡ khó trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam

14:34, 23/07/2020

BHG - Chỉ trong tháng 6 và 7, tỉnh ta đã tổ chức 2 hội nghị, 1 nội dung: Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2020 – 2021. Điều đó cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nhận diện khó khăn, bàn giải pháp để đưa cây cam phát triển xứng tầm cây trồng chủ lực của tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Công ty Cổ phần Cam Ta sản xuất thành công sản phẩm mứt, siro, tinh dầu từ cam Sành Hà Giang.
Công ty Cổ phần Cam Ta sản xuất thành công sản phẩm mứt, siro, tinh dầu từ cam Sành Hà Giang.

Nhận diện “nút thắt”

Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2020 – 2021 có sự tham gia của các cấp, ngành, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân tiêu biểu của 3 huyện trọng điểm về cam, gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Từ đây, nhiều “nút thắt” trong sản xuất, tiêu thụ cam được thẳng thắn nhận diện…

Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) Trần Minh Hữu kiểm tra sự phát triển của cây cam Sành tại cơ sở.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) Trần Minh Hữu kiểm tra sự phát triển của cây cam Sành tại cơ sở.

Hiện nay, diện tích cam trồng mới phát triển ồ ạt, gây phá vỡ quy hoạch của tỉnh (từ ổn định 5 nghìn ha theo định hướng lên hơn 8,5 nghìn ha). Mặc dù diện tích, sản lượng tăng nhưng chất lượng, mẫu mã cam không đồng đều: Cam tiêu chuẩn loại I chiếm tỷ trọng thấp trong khi đó, cam loại II và cam bi chiếm tỷ lệ cao (do vườn già cỗi hoặc có độ dốc lớn, khó khăn trong khâu chăm sóc). Đặc biệt, không ít hợp tác xã, hộ sản xuất cam cố tình sử dụng biện pháp kỹ thuật, giữ cam quá vụ thu hoạch để bán giá cao, bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Hành động này tác động xấu đến năng suất, chất lượng cam vụ kế tiếp; thậm chí nhà vườn thiệt đơn, thiệt kép nếu thời tiết bất thuận. Đơn cử như năm 2019, toàn tỉnh thiệt hại trên 15.000 tấn cam Sành do tác động tiêu cực của thời tiết, mưa nhiều, khiến cam chưa kịp thu hoạch rụng hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cùng với hạn chế này, một số đơn vị sản xuất chưa thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản cam theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đó là tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn diễn ra tại một số hộ sản xuất. Việc thu hái không đúng thời điểm (hái khi trời mưa hay sáng sớm, chưa tan sương) hoặc không đúng kỹ thuật làm quả cam bị dập, nát, dễ thối, mốc sau thu hoạch, gây ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín sản phẩm…

Vườn cam của 1 hộ dân thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang).
Vườn cam của 1 hộ dân thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang).

Khi chính vụ, phần lớn cam chín cùng một thời điểm với số lượng lớn nên dễ bị tư thương ép giá hoặc cung vượt cầu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Trong khi đó, công tác xúc tiến thương mại còn mang tính sự vụ, chưa đi vào chiều sâu. Sản phẩm cam Sành hiện nay chỉ tiêu thụ nội địa, chưa có bước đột phá để xuất khẩu. Hơn nữa, tỉnh ta chưa thu hút, huy động được nhiều nhà đầu tư đủ năng lực, vốn đầu tư cho công nghiệp chế biến đối với sản phẩm cam. Hiện nay, tại các vùng trọng điểm về cam, tỉnh ta có 4 cơ sở chế biến, bảo quản cam. Trong đó, Vị Xuyên là địa phương duy nhất của tỉnh có Nhà máy chế biến nước hoa quả, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu, tổ 12 (thị trấn Vị Xuyên) đạt quy mô sản xuất công nghiệp với công suất 190.000 lít/năm. Còn huyện Bắc Quang và Quang Bình có 3 cơ sở chế biến, bảo quản cam quy mô tiểu thủ công nghiệp. Vậy nhưng, niên vụ cam vừa qua, các cơ sở này mới chỉ thu mua, chế biến khoảng 1% trong tổng sản lượng hơn 76 nghìn tấn cam…

Từng bước gỡ khó

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn: Niên vụ cam 2020 – 2021, tổng diện tích cam toàn tỉnh hơn 8,6 nghìn ha. Dự kiến sản lượng ước đạt gần 70,4 nghìn tấn trên tổng số 6,4 nghìn ha cho thu hoạch. Từ việc nhận diện “nút thắt”, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tiễn, có “sổ tay” hướng dẫn kỹ thuật đến người dân. “Sổ tay” này là các giải pháp đồng bộ từ khâu chăm sóc, thời vụ, phương pháp thu hái, bảo quản tự nhiên, vận chuyển sản phẩm đến dự báo sơ bộ thị trường trong nước về cây cam để các huyện vùng cam thông báo tới nhân dân, nhà vườn nắm tình hình, chủ động cho niên vụ cam 2020 – 2021. Đặc biệt, trước khi vào vụ thu hoạch, tổ công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và PTNT làm tổ trưởng sẽ tiến hành đánh giá các nhà vườn có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống siêu thị trong cả nước. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể loại vườn đủ tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị; gắn với đó là bước đầu xây dựng thương hiệu nhà vườn…

Trong công tác xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm, thị trường truyền thống của tỉnh vẫn là các chợ đầu mối, dân sinh, trung tâm thương mại, một số siêu thị khu vực phía Bắc hay điểm giới thiệu, bán sản phẩm dọc tuyến Quốc lộ 2. Với những thị trường này, tỉnh ta đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thời điểm trước và trong niên vụ cam. Chú trọng truyền thông 4.0 qua ứng dụng điện tử, như: Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Hà Giang, Fanpage, Facebook đặc sản Hà Giang, bản tin, ấn phẩm… Song song với đó là các hoạt động phối hợp với đơn vị hữu quan ở T.Ư, các địa phương khu vực phía Bắc để nắm thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại chuỗi các siêu thị, cửa hàng Vinmart.

Thực tế, việc sản xuất gắn với chế biến sẽ góp phần giảm áp lực thu hái cam khi chính vụ, vừa tạo sản phẩm mới, thúc đẩy quá trình tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, cơ quan hữu quan của tỉnh chủ động thỏa thuận, liên kết với 4 cơ sở chế biến, bảo quản cam trên địa bàn tỉnh trong việc bao tiêu sản phẩm cam Sành. Thêm vào đó, đối với 3 huyện vùng cam, việc tiêu thụ sản phẩm được phân định rõ, trách nhiệm chính thuộc về địa phương, là nhiệm vụ chủ yếu trong lãnh đạo phát triển kinh tế của huyện. Đồng thời, 100% xã, thị trấn có diện tích cam, trực tiếp đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm trong phát triển, tiêu thụ sản phẩm cam đối với địa bàn quản lý…

Với sự chung tay gỡ khó của cả hệ thống chính trị và người trồng cam, kỳ vọng niên vụ tới, sản phẩm cam thực sự trở thành hàng hóa, có chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc. Qua đó, giữ vững vị thế, uy tín, thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cam Sành Hà Giang trên thị trường.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Công ty Điện lực Hà Giang khắc phục sự cố lưới điện do mưa lũ

BHG - Đêm 20 và sáng 21.7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra mưa lớn kéo dài làm ngập úng cục bộ một số điểm tại thành phố Hà Giang và gây sạt lở đất tại nhiều địa phương, làm hư hỏng một số cột điện và đường dây tải điện.

 

23/07/2020
Kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Giang và Lâm Đồng

BHG - Ngày 22.7, Sở Công thương Hà Giang có buổi làm việc với Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng về nội dung kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công thương Hà Giang giới thiệu khái quát tiềm năng, thế mạnh thương mại của tỉnh và thông tin các sản phẩm nông sản đặc trưng như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam Sành, thảo quả Hoàng Su Phì, thịt bò Vàng... 

23/07/2020
Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

BHG - Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, công tác QL-BVR đã có sự chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước về BVR cũng như tình trạng phá rừng quy mô lớn đã được ngăn chặn; độ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm. 

23/07/2020
Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần thứ I, năm 2020

BHG - Sáng 20.7, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lần thứ I, năm 2020.

 

20/07/2020