Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
BHG - Ngày 19.7.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 09 về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên đến nay, việc tiếp cận chính sách còn gặp nhiều khó khăn.
Thành viên Nhóm sở thích sản xuất và chế biến chè thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) thu hái chè. |
Nghị quyết 09 được áp dụng cho các đối tượng gồm: Nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp. Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường; hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, như: Nhà xưởng, bến bãi, kho phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…
Thực hiện nghị quyết, Sở Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương; thành lập Hội đồng thẩm định các dự án, kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết. Sở KH-ĐT tham mưu UBND phân bổ nguồn vốn năm 2020 và hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ. Sở Công thương đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu; xây dựng một số điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm tại huyện Bắc Quang và Hà Nội. Sở KH-CN tổ chức tập huấn về bảo hộ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ đặc sản địa phương, phát triển thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Về thực hiện các nội dung chính sách, đến nay chưa có tổ chức cá nhân nào đề nghị thẩm định hồ sơ dự án liên kết hoặc đề nghị hỗ trợ liên kết, cấp nguồn vốn thực hiện. Các huyện, thành phố mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, chưa đề xuất được dự án đề nghị hỗ trợ. Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, cho biết: Do chính sách có nhiều nội dung hỗ trợ mới, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cần có nhiều bên tham gia nên cần thời gian tuyên truyền để nông dân, doanh nghiệp, HTX nắm rõ nội dung cũng như trình tự các bước triển khai. Hiện nay, nhận thức của các HTX, doanh nghiệp về liên kết, hình thành chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng cũng như nguồn lực đầu tư. Điều kiện sản xuất để thực hiện liên kết như hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, quỹ đất không tập trung, trình độ lao động còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách. Các huyện, thành phố chưa vào cuộc quyết liệt, chưa đánh giá được những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở…
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách, thời gian tới, Sở Nông nghiệp - PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, HTX. Thành lập Hội đồng thẩm định dự án, kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết cấp huyện; chủ động nghiên cứu hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xây dựng dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết cho các tổ chức, cá nhân, HTX; tăng cường nắm bắt tình hình, tiếp thu ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, HTX để kịp thời tháo gỡ.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG