Cây chè Ngam La giúp người dân xóa đói, giảm nghèo
BHG - Với địa hình, thời tiết, khí hậu ở xã Ngam La (Yên Minh) rất phù hợp và thuận lợi để phát triển cây chè và được cho là cây công nghiệp lâu dài có thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm gần đây, cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân Ngam La.
Gia đình chị Lý Thị Thẻm thu nhập ổn định từ cây chè. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Ngam La, cho biết: Chè là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành nghị quyết về phát triển cây chè và cơ sở chế biến chè; tổ chức quy hoạch, rà soát diện tích chè toàn xã; chỉ đạo tổ chức trồng dặm để đảm bảo tổng diện tích chè. Toàn xã hiện có trên 143 ha, sản lượng năm 2020 đạt trên 446,7 tấn; 42 cơ sở chế biến chè bằng máy sao mini.
Xã Ngam La có 12 thôn, bản với dân số gần 4.000 người; trong đó, 75% là dân tộc Dao. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, điều kiện thổ nhưỡng tốt, khí hậu mát mẻ rất thuận lợi để phát triển cây chè, nên chè ở đây ngon hơn các nơi khác. Đi dọc trục đường từ xã Mậu Duệ đến xã Lũng Hồ rất dễ nhìn thấy người dân thôn Sa Lỳ, Nà Lầu tự lập những chiếc lán để bán chè ven đường và đây cũng là 2 thôn có diện tích nhiều chè nhất xã. Gia đình bà Phàn Thị Thỉm, thôn Nà Lầu đã gắn bó với cây chè hơn 40 năm, với diện tích trên 1 ha. Bà Thỉm cho biết: Mặc dù gia đình neo người, nhưng nhiều năm nay, gia đình vẫn duy trì trồng chè, vì đây là cây trồng không quá vất vả, thu nhập lại ổn định, bình quân mỗi tháng cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa chè tươi dao động 30-40 kg. Gia đình tự thu hái, chế biến; sau đó mang bán ở dọc đường với giá 100 nghìn đồng/kg, mỗi ngày bán được khoảng 5 kg chè khô thu được 500 nghìn đồng.
Chị Lý Thị Thẻm, cũng là một hộ trồng chè, cho biết: Gia đình đã phát triển được trên 2 ha chè, trung bình 3 tuần hái một lần, tự sao bằng máy mini rồi đem bán. Trừ chi phí mang lại thu nhập 50 triệu đồng/năm. So với làm nông, trồng chè nhàn hơn, ít công chăm sóc, giá thành cao hơn trồng ngô, lúa. Sau hơn 10 năm trồng chè gia đình tôi từ hộ khó khăn giờ đã có cuộc sống ổn định hơn.
Hiện nay, ở xã Ngam La nhiều hộ được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân, thu nhập từ cây chè còn góp phần vào xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, các gia đình trồng chè tại Ngam La cũng đầu tư máy cắt chè để vừa thu hoạch cho gia đình vừa kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê máy, người thu hái cũng có thu nhập cao từ tiền công. “Những năm trước đây, người dân không biết đến giá trị của cây chè, cây chè không được chăm sóc; chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được giá trị của cây chè. Nhờ vậy, cây chè được phát triển, đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con. Thời gian tới, xã sẽ vận động người dân trồng thâm canh để nâng tổng diện tích chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế trên địa bàn xã”, Chủ tịch UBND xã Ngam La, Nguyễn Văn Thuận chia sẻ thêm.
Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển cây chè đã giúp đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng lên. Từ xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, giờ đây bà con xã Ngam La đã có thu nhập ổn định hơn, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 48,8%, giảm nhiều so với những năm trước đây.
Bài, ảnh: Hồng Cừ