Quang Bình phát triển vườn cam Sành chất lượng cao
BHG - Những năm qua, nhờ trợ lực của nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Quang Bình, các nhà vườn trên địa bàn huyện đã tập trung xây dựng vườn cam Sành theo quy trình khép kín từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ để tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Vườn cam mẫu của gia đình ông Nguyễn Viết Khuyển (phải), thôn Xuân Phú, xã Yên Hà. |
Về thăm vùng trồng cam Sành chủ lực xã Hương Sơn, trên khắp sườn đồi phủ một màu xanh ngát của cây cam đang độ phát triển. Từ sáng sớm mùa Hạ, các hộ dân đã tranh thủ lên nương kiểm tra, tỉ mỉ ghi chép tình hình sinh trưởng, sâu bệnh hại cây cam. Để có được sự thay đổi này, xã luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển diện tích cam theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm. Hiện, trong tổng số 638 ha cam, quýt, có đến gần 400 ha VietGAP; 6/6 thôn xây dựng những mô hình điểm trồng cam hàng hóa quy trình VietGAP. Niên vụ 2019 - 2020, với diện tích cho thu hoạch 477 ha, năng suất bình quân đạt 10 - 12 tấn/ha, sản lượng đạt 5.100 tấn. Qua đó, cho nguồn thu trên 30 tỷ đồng và chiếm 38,5% tổng giá trị kinh tế toàn xã.
Anh Đặng Văn Tương, thôn Sơn Trung, xã Hương Sơn cho biết: “Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế của cây cam Sành khi được đầu tư đúng hướng, cách đây hơn 3 năm, tôi vay 200 triệu đồng từ Agribank Quang Bình theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để trồng cam VietGAP. Trồng cam VietGAP hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, ưu tiên dùng phân hữu cơ nên giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, dù nông dân luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, thì giá bán cam VietGAP vẫn ổn định. Mỗi năm, nhà tôi thu hoạch được khoảng 40 - 45 tấn quả, lợi nhuận đạt trên 150 triệu đồng. Niên vụ 2020 - 2021, vườn cam của tôi được huyện Quang Bình lựa chọn xây dựng vườn cam mẫu. Tôi được hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật như: Cắt tỉa, bón phân, phun thuốc và tham gia giới thiệu, xúc tiến sản phẩm tại các thị trường lớn. Đây là cơ hội để người dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
Là người nhiều năm gắn bó với nghề trồng cam, ông Nguyễn Viết Khuyển, thôn Xuân Phú, xã Yên Hà ví von việc chăm sóc những cây cam Sành cũng giống như chăm con đẻ của mình. Vì thế, vườn cam Sành hơn 10 năm tuổi của ông vẫn xanh tốt nhất vùng. Ông Khuyển chia sẻ: “Bí quyết giúp cây cam kéo dài tuổi thọ là sử dụng phân vi sinh kết hợp với phân gà để bón cho cây. Ngoài ra, chủ vườn phải tuân thủ các bước kỹ thuật trong chăm sóc và thu hoạch một cách nghiêm ngặt. Với diện tích 2 ha, tôi thu được 35 tấn quả, giá bán trung bình 10 - 15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí đem lại hiệu quả kinh tế 100 triệu đồng. Với trách nhiệm của hộ thực hiện xây dựng vườn cam mẫu trên địa bàn xã, tôi sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, giúp bà con nâng cao nhận thức trong việc sản xuất cam”.
Thời gian qua, huyện Quang Bình có 27 hộ được vay vốn theo Nghị quyết số 209, 86, 29 của HĐND tỉnh để phát triển cây cam Sành theo hướng hàng hóa. Trong suốt quá trình triển khai, Agribank Quang Bình đã linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các xã để lựa chọn mô hình, người vay, đảm bảo đúng đối tượng. Qua thực tế, các mô hình cơ bản có triển vọng, tạo ra những sản phẩm chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Sự cần cù, chịu khó của người nông dân cùng với sự tiếp sức của đồng vốn vay ưu đãi là “đòn bẩy” quan trọng khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Bài, ảnh: MỘC LAN