Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lúa
BHG - Nằm trong Hợp phần 3 thuộc Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới năm 2019 - 2020, mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) trên cây lúa đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực.
Mô hình CSA trên cây lúa tại xã Vĩ Thượng (Quang Bình). |
Vụ Xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các điểm mô hình CSA trên cây lúa với quy mô 462 ha, 1.953 hộ tham gia, tại địa bàn 7 xã thuộc 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình. Với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, hộ dân được hỗ trợ 100% giống lúa, 50% phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm xử lý gốc rạ. Bà con được tập huấn, hướng dẫn các quy trình từ làm đất, ngâm ủ hạt giống, cấy bằng mạ khay máy cấy, quản lý nước trên ruộng, biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn bằng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI và quản lý dịch hại tổng hợp qua từng giai đoạn theo IPM. Đây là lần đầu tiên người dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác hoàn toàn mới, giúp hiểu rõ hơn về tác hại của việc dùng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc và những tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Qua đánh giá cho thấy, khi được đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt hơn, hạn chế sâu bệnh hại, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Vụ thu hoạch vừa qua, năng suất lúa Thiên ưu 8 đạt 55 tạ/ha; lúa lai HKT 99 đạt 68 tạ/ha; lúa ĐS3 đạt 56 tạ/ha; lúa J02 đạt 60 tạ/ha, lúa Việt Lai 20 đạt 62 tạ/ha, cao hơn nhiều so với năng suất lúa thuần đại trà. Lợi nhuận trung bình đạt 25 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng 25% so với trước khi xây dựng mô hình. Đồng thời, lượng thóc giống giảm bình quân 10 kg/ha, lượng phân đạm giảm 20 - 25% và quá trình canh tác theo SRI còn làm cây lúa cứng, khỏe hơn nên ít bị đổ ngã trong điều kiện mưa bão. Đặc biệt, nhu cầu nước tưới cho ruộng lúa giảm được khoảng 30% so với canh tác truyền thống, điều này rất hữu ích trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới.
Chị Hoàng Thị Hoài, Giám đốc HTX nông nghiệp Linh Châu, xã Vĩ Thượng (Quang Bình), cho hay: “HTX thực hiện mô hình với quy mô 100 ha lúa lai chất lượng cao HKT 99 và có 400 hộ tham gia. Sau khi chọn điểm, chọn hộ, HTX đã phối hợp với xã, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn cho người dân; cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Vụ Xuân này, mặc dù thời tiết bất lợi, sâu bệnh gây hại phát triển, nhưng nhiều hộ chỉ cần phun thuốc bảo vệ thực vật một lần duy nhất là sạch bệnh. Với năng suất lúa đạt 68 tạ/ha, giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, tổng thu đạt 47,6 triệu đồng, trừ chi phí nông dân có lãi 28,9 triệu đồng. Ngoài ra, với việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, dùng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã cải tạo đất, tiết kiệm được lượng nước tưới trong sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
Với những kết quả đạt được, vụ Mùa năm nay, mô hình CSA tiếp tục được triển khai thêm 375 ha ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên.
Bài, ảnh: MỘC LAN