Người đi đầu phát triển mô hình kinh tế mới

08:45, 17/06/2020

BHG - Anh Đặng Văn Thiểu (31 tuổi), thôn Bản Nghè, xã Yên Cường (Bắc Mê) là một trong những gương sáng, đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế mới; mang lại nguồn lợi lớn và đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Anh Đặng Văn Thiểu tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho đàn trâu.
Anh Đặng Văn Thiểu tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho đàn trâu.

Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Yên Cường, chúng tôi lên với Bản Nghè; đi qua những con dốc ngoằn nghèo, trơn trượt để tìm tới gia trại của anh Đặng Văn Thiểu. Được biết, mô hình chăn nuôi quy mô gia trại được gia đình anh mạnh dạn đầu tư từ cuối năm 2017; dưới sự động viên, giúp đỡ của cán bộ xã, cùng với việc nhận được gói vay hỗ trợ từ nguồn ngân sách của huyện trị giá 120 triệu đồng. Với số vốn ban đầu, anh Thiểu đầu tư nuôi lợn nái và từng bước nhân đàn. Hiện tại, gia trại của anh có 80 con lợn và 5 con trâu. Lợn được nuôi và xuất chuồng bao gồm: Lợn nái, lợn giống, lợn hơi và lợn sữa; trong đó, lợn giống xuất chuồng với giá 170.000 đồng/kg; lợn hơi 100.000 đồng/kg; lợn sữa xuất từ 3 - 4 lứa/năm (mỗi lứa tầm 30 – 40 con). Về thức ăn, được anh lựa chọn cám ngô để chăn nuôi là chính. Đối với đàn trâu, nguồn thức ăn được anh tận dụng từ rơm rạ sau khi thu hoạch vụ Mùa và trồng thêm 2 ha cỏ để có đủ thức ăn trong mùa Đông. Hiện, mỗi con trâu có giá trên 50 triệu đồng; thu nhập ước tính từ kinh tế gia trại của gia đình anh sau khi trừ chi phí được 100 triệu đồng/năm.

Sau khi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, anh nhân giống và tái đàn lợn địa phương rộng rãi trên địa bàn huyện. Đây cũng là chủ trương của huyện nói chung và của xã Yên Cường nói riêng trong việc định hướng người dân phát triển giống lợn đen bản địa và đưa lợn đen trở thành sản phẩm thế mạnh, đặc trưng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Đặng Văn Thiểu, cho biết: Mô hình chăn nuôi gia trại đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ. Để phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tôi thường xuyên tiêm phòng và phun khử trùng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ…

Là người mạnh dạn đi đầu với mô hình kinh tế mới, điều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; đưa kinh tế địa phương ngày càng đi lên. Bên cạnh phát triển chăn nuôi, gia đình anh Thiểu còn canh tác trên 3.000 m2 lúa; mỗi năm 2 vụ, gia đình anh thu về khoảng 2 tấn thóc. Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ xay xát ngô, lúa; máy làm đất phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn.

Đồng chí Hoàng Văn Mười, Bí thư Đảng ủy xã Yên Cường, cho biết: Mô hình gia trại chăn nuôi lợn đen bản địa của anh Thiểu đã tác động tích cực đến ý thức làm kinh tế của bà con trong xã; đặc biệt, mô hình đã giúp gia đình anh Thiểu thoát khỏi đói, nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Với người dân ở vùng sâu, vùng xa, chỉ có những gì thấy được cụ thể, họ mới tin và làm theo… Nhờ vậy, những năm qua, xã Yên Cường đã tích cực vận động bà con nuôi lợn đen theo mô hình của anh Thiểu; nhiều người đã tìm đến mua lợn giống của gia đình anh về nuôi và đã có sản phẩm bán ra thị trường. 

 Bản Nghè là một trong những thôn còn nhiều khó khăn của xã Yên Cường, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự nỗ lực cùng ý chí vươn lên của những người trẻ tuổi; hy vọng, trong những năm tới, Bản Nghè sẽ có những con đường bê tông rộng, kiên cố; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao; góp phần vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Bài, ảnh: Hồng Nhật (Sinh viên thực tập)


Cùng chuyên mục

Bắc Mê bội thu vụ Xuân

BHG - Vụ Xuân năm 2020, được xem là vụ bội thu của bà con nhân dân huyện Bắc Mê với tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt hơn 20 nghìn tấn, tăng 1.799 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển KT – XH của địa phương; huyện đã đưa ra một số giải pháp, như...

16/06/2020
Hoàng Su Phì đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

BHG - Những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện Hoàng Su Phì ngày càng được nâng lên. Nhiều thiết bị máy móc đã được đưa vào sử dụng góp phần giảm sức lao động, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, là huyện miền núi với địa hình chia cắt mạnh; một bộ phận người dân vẫn canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn.

 

16/06/2020
Đổi thay trên vùng đất anh hùng

BHG - Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1979 – 1989, mặt trận Thanh Thủy (Vị Xuyên) là vùng chiến sự ác liệt nhất. Nơi đây từng được coi là vùng đất "chết" khi phải hứng chịu những loạt bom đạn dội xuống bất kể ngày, đêm. Hơn 3 thập kỷ sau cuộc chiến, giờ đây Thanh Thủy đang hồi sinh mạnh mẽ. Mảnh đất chiến trường năm xưa, giờ đang được phủ bởi màu xanh của cỏ cây, hoa lá; màu xanh của sự sống, của niềm tin và hy vọng!

 

16/06/2020
Huyện đoàn Vị Xuyên phát động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với xây dựng Nông thôn mới năm 2020

BHG - Sáng 13.6, tại thôn Bản Mán, xã Phong Quang, Huyện Đoàn Vị Xuyên phát động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) năm 2020. Đến dự có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên.

 

13/06/2020