Khởi sắc ở Mỏ Phàng
BHG - Nhờ phát huy hiệu quả các nguồn hỗ trợ của nhà nước kết hợp với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của người dân thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) đã tạo cho diện mạo vùng biên viễn ngày càng khởi sắc.
Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa. |
Giữa năm 2019, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 30a và 135, thôn Mỏ Phàng thực hiện 2 dự án phát triển sản xuất, gồm dự án nuôi lợn thương phẩm và dự án trồng rau an toàn với 24 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện 2 dự án là 380 triệu đồng, trong đó, người dân đối ứng 80 triệu đồng. Thực hiện dự án, các hộ dân tiến hành quy hoạch diện tích đất làm vườn, mua con giống. Trong quá trình phát triển sản xuất, các hộ dân được cán bộ khuyến nông xã thường xuyên hướng dẫn theo đúng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; do đó, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Đối với đầu ra cho sản phẩm, các hộ chủ động liên kết tiêu thụ với các thương lái, các đơn vị trường bán trú trên địa bàn với giá bán ổn định. Riêng năm 2019, tổng doanh thu từ 2 dự án này ước đạt gần 500 triệu đồng.
Trồng rau an toàn giúp người dân tăng thu nhập. |
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Phùng, Mua Mí Sử, cho biết: Việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án tại thôn Mỏ Phàng đã giúp người dân dần thay đổi về tư duy, nhận thức trong việc phát triển kinh tế tập thể, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp các hộ thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô gia trại theo chuỗi liên kết, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Từ những hiệu quả bước đầu, các dự án sẽ là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các hộ dân trên địa bàn xã.
Cùng với các nguồn hỗ trợ của nhà nước, Mỏ Phàng cũng đẩy mạnh các hoạt động phát triển KT-XH tại địa phương. Trong đó, phát triển trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm được chú trọng. Có được các sản phẩm nông nghiệp, người dân trong thôn đã tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa qua biên giới; phát huy tối đa hiệu quả của chợ phiên Săm Pun. Ngoài ra, việc xuất khẩu lao động sang Trung Quốc theo thỏa thuận giữa huyện Mèo Vạc và huyện Phú Ninh (Vân Nam – Trung Quốc) cũng được quan tâm, hưởng ứng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương.
Từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với nhận thức và hành động ngày càng tiến bộ của người dân thôn Mỏ Phàng; đời sống KT-XH nơi vùng biên viễn này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nổi bật là hệ thống đường giao thông với trên 90% đường nội thôn đã được bê tông hóa; toàn thôn không còn nhà tạm, tỷ lệ nhà kiên cố chiếm đa số; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; các thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ trong thôn. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm đáng kể. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 7%, giảm hơn 17% so với năm 2019. Nhiều năm qua, thôn Mỏ Phàng liên tục đạt danh hiệu thôn Văn hóa tiêu biểu của xã Thượng Phùng.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc