Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
BHG - Đến quê hương “Núi đôi” hôm nay, không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ; mà còn được biết đến những vườn rau, hoa xanh mướt, tỏa ngát hương thơm. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất là mục tiêu nông dân Quản Bạ đang hướng đến.
Anh Vàng Thống Cáo, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thu hoạch rau trồng trong nhà lưới. |
Trước đây, nói đến nông nghiệp hiện đại là một khái niệm xa vời đối với người dân nơi “miền đá”. Bà con nơi đây vẫn quanh quẩn với cách sản xuất truyền thống, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ ngô và lúa; đời sống cũng theo đó mà còn nhiều khó khăn. Để thực hiện chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh là cả một vấn đề nan giải. Bằng nhiều giải pháp, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển 3 cây (dược liệu, Hồng không hạt, ngô lai) để tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Sau 5 năm triển khai diện tích ngô lai tăng thêm 500 ha, nâng tổng diện tích trồng ngô lai toàn huyện hiện có lên 3.800 ha; góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực. Thực hiện quy hoạch vùng trồng và xây dựng chỉ dẫn địa lý, đến nay, diện tích Hồng không hạt của huyện đạt 230 ha, tăng 180 ha so với năm 2015. Một số loại cây trồng mặc dù nghị quyết đại hội không đề ra, nhưng trong quá trình lãnh, chỉ đạo; Đảng bộ huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu, đưa những cây có giá trị cao vào sản xuất, như: Cây lạc, hoa hồng, rau trái vụ…
Đạt được những thành quả trên là cả một quá trình tuyên truyền, vận động làm thay đổi về nhận thức của người dân,… từ những ngày đầu còn nghi ngờ, chưa dám thay đổi cơ cấu cây trồng và chỉ với thu nhập vài triệu đồng/năm, ăn không đủ no; đến nay, người dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha diện tích nhà lưới trồng rau và hoa hồng. Nhiều hộ đã trở thành những nhà nông tiêu biểu, sản xuất kinh doanh giỏi của vùng… Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tổng diện tích cây trồng hàng năm của huyện đạt 16.300 ha, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng cây hàng năm đạt 46 triệu đồng, đạt 117,9% so với nghị quyết và tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2015; tổng sản lượng lương thực đạt 31.124 tấn, tăng 454 tấn so với năm 2015, bình quân lương thực đạt 560 kg/người/năm, đạt 105,6% so với nghị quyết.
Chương trình phát triển cây dược liệu luôn được huyện quan tâm chỉ đạo, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng trồng, sản xuất rau, hoa và dược liệu…; thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nhóm sở thích. Người dân đã chủ động chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang trồng dược liệu, khoanh vùng các vườn thuốc nam dưới tán rừng để bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý hiếm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp, 6 HTX tham gia trồng, chế biến, kinh doanh dược liệu, liên kết thu mua, sơ chế, chế biến bao tiêu sản phẩm. Các HTX mạnh dạn vay vốn theo nghị quyết của HĐND tỉnh để phát triển dược liệu, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, như: Cao Atiso, mạnh gân hoạt cốt, trà gừng, Đương quy, Củ dòm, cao Ấu tẩu, cồn xoa bóp, thuốc chữa viêm xoang,... Thu nhập của các thành viên và người lao động trong các HTX sản xuất dược liệu được nâng lên, cá biệt có HTX doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm; thu nhập của người trồng dược liệu tăng gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Tổng diện tích dược liệu của huyện hiện có là 2.950 ha, đạt 100,3% nghị quyết, tăng 510 ha so với năm 2015.
Vẫn con người ấy, ruộng, nương ấy; chỉ thay đổi cách quản lý, lãnh đạo là đời sống sẽ thay đổi. Đến nay, cái đói, cái nghèo không còn đeo bám cuộc sống của bà con; thu nhập, bình quân lương thực/người của người dân ngày một tăng, đó chính là thành công của cả một quá trình phấn đấu kiên trì, bề bỉ của toàn Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong suốt nhiệm kỳ qua…
Bài, ảnh: Lê Hải