Đưa nghề trồng dâu nuôi tằm về miền đá Mèo Vạc
BHG - Nhằm nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành, nghề trong khu vực nông thôn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, gắn với xây dựng NTM; đa dạng hóa sản phẩm ngành, nghề; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường… Năm 2019, huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện phương án trồng dâu nuôi tằm với diện tích 3 ha tại xã Nậm Ban và Tả Lủng. Qua hơn một năm triển khai, đến nay, toàn bộ diện tích cây dâu đang sinh trường và phát triển tốt sẵn sàng phục vụ nghề nuôi tằm lấy sợi.
Anh Vàng A Tiến (trái) kiểm tra diện tích cây dâu tằm. |
Để thực hiện phương án, huyện tiến hành tìm hiểu thực tế việc trồng dâu nuôi tằm tại huyện Nà Pô, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, quy hoạch địa điểm thực hiện phương án; hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống, tằm giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ thực hiện. Chỉ đạo các ngành chuyên môn thường xuyên cử cán bộ xuống phối hợp với UBND các xã kiểm tra theo dõi, hướng dẫn cho các hộ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật…
Anh Vàng A Tiến, thôn Nậm Ban, xã Nậm Ban, chia sẻ: Năm 2019, tôi được xã chọn trồng thử nghiệm cây dâu với diện tích 1 ha, gia đình đã tiến hành cày ải, làm đất trồng cây dâu. Do chưa có kinh nghiệm, tôi được xã, huyện cử đi học tập kinh nghiệm tại một hộ chăn nuôi dâu tằm có uy tín thuộc xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), tại đây, tôi được học hỏi quy trình, kỹ thuật, trồng, chăm sóc cây dâu theo phương pháp hiện đại. Sau hơn một năm, cây dâu sinh trưởng và phát triển bình thường, không có sâu bệnh hại, sẵn sàng phục vụ nuôi tằm lấy sợi.
Với nhiều điều kiện thuận lợi của địa phương, tin tưởng thời gian tới, phương án trồng dâu nuôi tằm ở Mèo Vạc sẽ tạo thu nhập cao và bền vững cho bà con nơi đây, góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết được vấn đề lao động nông nhàn trong khu vực nông thôn, phủ xanh đất trống, chống xói mòn đất, cải thiện môi trường sinh thái.
Bài, ảnh: H. Tuyến - M.Đức