Đồng Văn nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu
BHG - Với lợi thế khí hậu mát mẻ, Đồng Văn có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú, như: Thảo quả, Hà thủ ô, Đỗ trọng. Ngoài ra còn thích hợp trồng các loại cây: Đương quy, Đan sâm, Bạch chỉ, Ý dĩ… Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.
Vườn Đương quy trồng xen canh cây lê của ông Mao Văn Giàng, khu phố 2, thị trấn Phố Bảng. |
Trồng, phát triển cây dược liệu được huyện Đồng Văn xác định là một trong những cây chủ lực và là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện cũng như xu hướng phát triển của xã hội. Nếu thực hiện tốt, sẽ đáp ứng được nhu cầu du khách đến tham quan du lịch tại Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, đem lại lợi nhuận cao và làm tăng tính ổn định, bền vững hệ sinh thái rừng, lại không ảnh hưởng đến quỹ đất của cây trồng khác. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không dễ, vì đòi hỏi người dân phải có sự đầu tư lớn, hình thành được sự liên kết, kế hoạch phát triển các loại cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Đồng chí Nguyễn Xuân Hợp, Phó Phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Hiện nay, cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các xã: Phố Cáo, Phố Là, Má Lé, Sủng Là, Sảng Tủng, thị trấn Phố Bảng... Dù mới phát triển mạnh mấy năm gần đây, nhưng hiệu quả mang lại khá rõ nét. Cây dược liệu trồng ở nơi không khí trong lành lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên hoạt tính được đánh giá rất cao, an toàn và cho giá trị lớn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Gia đình ông Mao Văn Giàng, khu phố 2, thị trấn Phố Bảng, năm nay, chủ động trồng xen canh trên 5.000 m2 cây Đương quy với cây lê, toàn bộ giống cây, phân bón được Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng hỗ trợ, HTX Dịch vụ tổng hợp Nông - lâm nghiệp Phó Bảng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 15.000 đồng/kg Đương quy tươi. Theo tính toán của ông Giàng, nếu chăm sóc tốt 5.000 m2 Đương quy sẽ cho thu hoạch khoảng 5-6 tấn, theo giá HTX cam kết thu mua sẽ mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập từ 75 - 90 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng ngô.
Cùng với gia đình ông Giàng, gia đình chị Ngọc Thị Huyền, thôn Cháng Phúng A, xã Phố Cáo cũng tham gia chuyển đổi 1 ha ngô sang trồng cây Đương quy. Với sự hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm của HTX Dịch vụ tổng hợp Phó Bảng, dự kiến trong năm nay sẽ mang lại nguồn thu cả trăm triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Ngoài 2 hộ trên, nhiều hộ dân khác trên địa bàn các xã: Phố Cáo, Phố Là, Sảng Tủng, Má Lé, Sà Phìn, Sủng Là và thị trấn PhốBảng cũng trồng cây Đương quy với diện tích từ 0,2 – 1 ha. 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện Đồng Văn đã trồng mới được 33,17 ha, chủ yếu là Đương quy, Phòng phong, Hà thủ ô đỏ, Xuyên khung,… nâng tổng số diện tích cây dược liệu toàn huyện lên 149,39 ha.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, khẳng định: Để khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng cây dược liệu, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển cây dược liệu, ưu tiên phát triển các loài dược liệu đã trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ ổn định. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn liền với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC