Đổi thay trên vùng đất anh hùng
BHG - Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1979 – 1989, mặt trận Thanh Thủy (Vị Xuyên) là vùng chiến sự ác liệt nhất. Nơi đây từng được coi là vùng đất “chết” khi phải hứng chịu những loạt bom đạn dội xuống bất kể ngày, đêm. Hơn 3 thập kỷ sau cuộc chiến, giờ đây Thanh Thủy đang hồi sinh mạnh mẽ. Mảnh đất chiến trường năm xưa, giờ đang được phủ bởi màu xanh của cỏ cây, hoa lá; màu xanh của sự sống, của niềm tin và hy vọng!
Vùng chiến trường xưa, nay được phủ bởi màu xanh của những ruộng lúa, nương ngô. |
Ngày biên giới yên tiếng súng, những gia đình đi sơ tán trước đây quay trở về quê cũ để mưu sinh. Trước mắt họ là một hành trình vô cùng gian khó, bởi mảnh đất này bị bom đạn cày xới, chỉ còn trơ lại màu của đá xám và cả những quả đạn, mìn chưa kịp nổ vẫn còn nằm sâu trong lòng đất. Với quyết tâm hồi sinh mảnh đất biên cương, những bàn tay cần cù lao động, bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu; người dân xã Thanh Thủy đã đoàn kết, cùng nhau xây dựng lại cuộc sống mới trên vùng đất chiến trường xưa.
Họ khai phá những vùng đất đồi dưới chân các cao điểm 468, 772, 300, 400 tạo nên những thửa ruộng bậc thang để gieo cấy lúa và hoa màu. Họ bám đất, những vùng chè Shan tuyết xanh non, mỡ màng trên những quả đồi bạc trắng bom đạn xưa. Cùng đó, họ trồng những vườn Thảo quả dưới tán rừng để có thêm nguồn thu nhập. Trong hành trình mưu sinh của người dân Thanh Thủy, có biết bao người phải chịu thương tật suốt cuộc đời còn lại vì họ đã cuốc hoặc giẫm phải mìn khi lao động. Biết bao gia đình ở đây đã phải chịu cảnh mất mát, đau thương do tàn dư của cuộc chiến. Theo người dân, các loại bom, mìn sót lại, có loại nhìn được bằng mắt, có loại nằm dưới mặt đất nên rất dễ gặp tai nạn trong quá trình lao động, sản xuất.
Người dân thôn Nà Toong thu hái chè. |
Chị Bồn Thị Thể, thôn Nặm Ngặt, ngậm ngùi chia sẻ: Do cuộc sống mưu sinh, tôi và các gia đình trong thôn vẫn hàng ngày phải cuốc đất, gieo trồng trên vùng đất còn sót lại rất nhiều bom, mìn và các loại vật liệu nổ,... đau xót thay, tôi đã mất đi một chân trong lúc làm nương do giẫm phải mìn; không ít gia đình khác trong thôn cũng phải chịu cảnh mất mát tương tự. Nhưng đất đã không phụ công người, sau bao năm vất vả; giờ đây, cuộc sống của người dân cũng dần được ổn định. Chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng đang từng ngày, từng giờ thực hiện nhiệm vụ rà, phá bom mìn, vật cản nổ; giúp người dân chúng tôi có đất sạch để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Hiện, toàn tỉnh có 11 đội rà phá bom mìn và được thực hiện rà phá trên 1.700 ha đất, thuộc địa bàn 3 xã: Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải (Vị Xuyên). Đến nay, các đội đã thực hiện rà phá được gần 300 ha. Các vật liệu nổ phát hiện cơ bản là đạn cối, lựu đạn và mìn. Qua đó, giúp địa phương có quỹ đất sạch để phát triển sản xuất, đem lại màu xanh cho đất và giúp người dân tránh được những mất mát do tàn dư của chiến tranh.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy, cho biết: Sau hơn 30 năm bình yên tiếng súng, mảnh đất Thanh Thủy đang từng ngày được hồi sinh mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã; người dân Thanh Thủy luôn đoàn kết một lòng, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để xây dựng cuộc sống mới. Trong nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế của địa phương có bước phát triển khá, đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc và đổi mới. Tổng sản lượng lương thực của xã đạt trên 1.108 tấn, vượt 0,7% so với nghị quyết; bình quân lương thực đạt 400,8 kg/người/năm. Duy trì độ che phủ rừng 65,1% đạt 100,2% nghị quyết. Xã đang tập trung phát triển những cây trồng thế mạnh, như: Chè, Thảo quả với tổng diện tích hơn 300 ha và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như Na dai, chuối cao sản, dưa hấu.
Với lợi thế là địa phương có Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy nằm trên địa bàn, xã đã khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ. Hiện, toàn xã có 14 công ty, 3 HTX, 132 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ; tăng 32% so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hàng hóa đạt trên 45 tỷ đồng. Tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người từ 12,5 triệu đồng năm 2015 lên 26 triệu đồng năm 2019; đạt 144% chỉ tiêu Nghị quyết. Cùng với đó, xã tập trung vận động nhân dân đóng góp công, của cùng chính quyền xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí, vượt 2 tiêu chí so với nghị quyết; so với năm 2015 tăng 6 tiêu chí. Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, xã sẽ cán đích và trở thành xã biên giới đầu tiên của huyện Vị Xuyên đạt chuẩn NTM.
Mặc dù kết thúc chiến tranh muộn nhất cả nước, nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt khó cùng khối óc, bàn tay cần cù; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Thủy đã gây lại màu xanh cho đất và xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tạo nên “phên dậu” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG