Yên Minh, Quang Bình đẩy mạnh phòng, chống sâu, bệnh hại cây trồng
BHG - Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến bất thường, thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh như: Rầy nâu, sâu đục thân trên cây lúa, sâu keo mùa thu hại cây ngô; sâu cuốn lá trên cây đậu tương… phát sinh và gây hại. Do vậy, các huyện đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh hại nhằm bảo vệ cây trồng.
Cán bộ xã Bằng Lang (Quang Bình) hướng dẫn người dân phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa Xuân. Ảnh: MỘC LAN |
Vụ Xuân năm 2020, tổng diện tích gieo trồng của huyện Yên Minh đạt 15.897,1 ha; trong đó, cây lúa 418,5 ha, ngô chính vụ 6.659,6 ha, đậu tương 297,2 ha, lạc 59,2 ha. Để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra hiện trạng sinh trưởng của cây trồng; điều chỉnh thời gian bón phân đúng thời điểm; chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình sinh trưởng của các loại cây trồng; xác định rõ mật độ của sâu, bệnh để chỉ đạo phun thuốc phòng, trừ kịp thời, hiệu quả.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Yên Minh, Nguyễn Văn Quốc, cho biết: Thực hiện công tác kiểm tra định kỳ trên đồng ruộng, dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh hại; trong tháng qua xuất hiện một số sinh vật gây hại, như: Đối với cây lúa xuất hiện rầy nâu và rầy lưng trắng, mật độ 47,5 - 150 con/m2; sâu đục thân 2 chấm mật độ 0,57 - 1,4%; bệnh bạc lá 1,6 - 2%; bệnh đốm sọc vi khuẩn 0,6 - 1%. Về sâu keo mùa thu hại ngô, qua điều tra đã phát hiện tại 8 xã, với diện tích 3 ha. Các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, trừ kịp thời.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh hướng dẫn người dân bắt sâu keo mùa thu. Ảnh: HỒNG CỪ |
Tại xã Lũng Hồ, chính quyền và bà con đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu trên cây ngô. Chủ tịch UBND xã Lũng Hồ, Nguyễn Văn Kỳ, cho biết: Ngay từ khi xuất hiện bệnh sâu keo, xã hướng dẫn bà con bắt thủ công và khẩn trương phun thuốc phòng, trừ kịp thời nên diện tích nhiễm sâu keo đang hồi sinh và phát triển tốt.
Với sự chỉ đạo sát sao, đồng bộ của huyện và sự chủ động của nông dân, cây trồng vụ Xuân trên địa bàn huyện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết và tình hình sâu, bệnh hại sẽ xuất hiện ở từng giai đoạn sinh trưởng. Huyện Yên Minh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyên tới người dân bằng nhiều hình thức; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó nếu dịch xảy ra và lan ra diện rộng.
Quang Bình là 1 trong những huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp. Vụ Xuân năm nay ,huyện gieo cấy gần 1.800 ha lúa, trên 2.000 ha lạc và 1.821 ha ngô. Hiện, nhiều diện tích lúa xuất hiện sâu, bệnh hại, như: Đạo ôn, khô vằn, vàng lá. Những ngày này, bà con nông dân luôn chủ động bám đồng ruộng và kịp thời phòng, trừ sâu, bệnh nhằm đảm bảo sản lượng lương thực đề ra.
Chị Hoàng Thị Chỉ, thôn Trung, xã Bằng Lang, cho biết: “Vụ lúa Xuân có ý nghĩa rất quan trọng, không những đáp ứng đủ nguồn lương thực của gia đình trong năm mà còn có thể xuất bán. Vì thế, những người nông dân chỉ mong sao mùa vụ tốt tươi. Tuy nhiên, khi lúa Xuân đang phát triển đến giai đoạn đứng cái, làm đòng và chuẩn bị trỗ bông thì một số diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn, chuột hại. Nhà tôi có 1.200 m2 lúa bị bệnh, tôi đã phun thuốc ngay, tránh nguy cơ mất mùa”.
Xã Bằng Lang có tổng diện tích 186,8 ha lúa, ngay sau khi phát hiện 1,2 ha bị sâu, bệnh hại tập trung ở thôn Hạ Đông và Thượng Bình, xã đã cử cán bộ nông nghiệp, khuyến nông phối hợp với các thôn tổ chức thăm đồng và yêu cầu người dân thực hiện việc chăm sóc lúa theo đúng quy trình, kỹ thuật. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con mua các loại thuốc đặc hiệu được cơ quan chuyên môn khuyến cáo để phun đúng thời điểm, đúng đối tượng; tránh gây lãng phí và tác động đến môi trường. Qua kiểm tra, những thửa ruộng bị bệnh đã giảm dần, lúa xanh trở lại - đồng chí Vũ Mạnh Tiềm, Chủ tịch UBND xã, cho biết.
Tại xã Tân Trịnh, trong 176,4 ha lúa vụ Xuân, có 4,8 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn và 13 ha bị đốm sọc vi khuẩn. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, xã đã thành lập 2 tổ phun thuốc tại 2 thôn bị ảnh hưởng nặng là thôn Vén và Tân Trang. Cùng với đó, người dân dùng nilon, bẫy, bả sinh học để diệt chuột hại lúa. Lúa bắt đầu đỏ đuôi, chỉ khoảng 2 tuần nữa là bước vào vụ thu hoạch; do đó, việc phòng, trừ sâu, bệnh phải được tiến hành nhanh để quyết định tới năng suất, sản lượng cũng như công sức lao động của người nông dân.
Hiện, trà lúa Xuân sớm của huyện đang trong giai đoạn trỗ sữa, trà chính vụ đang trong giai đoạn đòng - trỗ và trà muộn đang trong giai đoạn làm đòng. Do thời tiết diễn biến bất thường, dẫn đến một số sâu, bệnh hại phát triển mạnh; đặc biệt là bệnh đạo ôn với diện tích nhiễm bệnh gần 32 ha. Ngoài ra, 101 ha xuất hiện bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột hại tại 15/15 xã, thị trấn. Trước tình hình cấp bách đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thành lập tổ công tác, chuẩn bị đủ lượng thuốc cung ứng cho nông dân phòng trừ, bệnh; tổ chức kiểm tra đánh giá diễn biến sâu, bệnh hại. Đôn đốc các xã, thị trấn, các hộ dân tập trung phun những diện tích bị bệnh và có khả năng bị nhiễm bệnh. Đến nay, các xã, thị trấn đã hoàn thành phun đợt 1, tiếp tục phun nhắc lại đợt 2 sau 5 - 7 ngày để trị bệnh dứt điểm trên lúa.
HỒNG CỪ - MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc