Phục hồi sản xuất, chăn nuôi sau đại dịch
BHG - Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh Tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 đã khiến cho việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp,… trong đó, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tổng đàn trâu trên toàn tỉnh giảm 2,96% so với cùng kỳ; đàn bò giảm 2,22%; đàn lợn giảm 6,79%... Ngoài ra, dịch bệnh cũng tác động đến đầu vào của sản xuất nông nghiệp, như: Thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống…
Gia đình ông Đinh Văn Hoản, thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) tái đàn lợn sau dịch. |
Để đảm bảo phát triển sản xuất, chăn nuôi; ngành Nông nghiệp khuyến khích các cơ sở chăn nuôi rà soát lại các điều kiện thực tế để có thể tái đàn lợn. Triển khai tái đàn theo qui định về chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo sản lượng thịt tiêu thụ. Phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi chung tay bình ổn giá thịt lợn, hạn chế tối đa tăng giá lợn thịt, lợn giống trên thị trường. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và làm tốt công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Tới thời điểm hiện tại, hộ ông Đinh Văn Hoản, thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) là hộ chuyên nuôi lợn thịt đã tái đàn thành công. Theo ông Hoản, dù có thâm niên nuôi lợn nhiều năm và mỗi năm, nhà ông đều xuất chuồng khoảng 3 tấn lợn; nhưng chưa có đợt dịch bệnh nào gây thiệt hại lớn đến người chăn nuôi lợn như dịch Tả lợn châu Phi vừa qua. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi xung quanh đã thực hiện tái đàn sau khi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh đó, thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; các hộ chăn nuôi đã chuẩn bị các điều kiện về vật tư, số lượng vắc xin để tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm và phun hóa chất để tiêu độc khử trùng các ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Các địa phương thực hiện tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, VietGAP; nhằm góp phần ổn định thị trường, giá cả mặt hàng thịt lợn.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp, để phục hồi chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần chú trọng đến tổ chức sản xuất chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển gia trại, trang trại lợn và gia cầm bằng giống bản địa chất lượng cao gắn với du lịch; hướng đến một số doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi sản phẩm chăn nuôi, có truy xuất nguồn gốc, trước mắt phục vụ trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm khoa học trực thuộc ngành để bảo tồn nguồn gen và cung ứng con giống tốt cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh.
Đến thăm hộ ông Cao Thìn Túng, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) là hộ chăn nuôi trâu, bò; do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến ông không bán trâu, bò sang Trung Quốc được. Nhờ chính quyền địa phương khuyến khích, gia đình ông chuyển buôn bán trâu, bò ở thị trường trong tỉnh, nên đã không bị lỗ vốn trong đợt này. Thực hiện hướng dẫn của chính quyền địa phương, ông Túng tiếp tục mở rộng chăn nuôi và chú ý đến việc vệ sinh môi trường để phòng tránh các loại dịch bệnh.
Để phát triển chăn nuôi, ngành Nông nghiệp còn đề ra các giải pháp: Phối hợp với các huyện, thành phố triển khai thực hiện đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển chăn nuôi, gồm: Đàn trâu, bò đạt 295 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 8.900 tấn; đàn dê đạt 178 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 2.000 tấn; đàn lợn 594 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 32.800 tấn; đàn gia cầm 5,1 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 8.200 tấn. Qua đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chăn nuôi, thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc