Mô hình liên kết chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Lùng Tám
BHG - Khởi nguồn từ Đề án số 10 – ĐA/HU của BTV Huyện ủy Quản Bạ về “Nâng cao hiệu quả liên kết, phát triển kinh tế của nông dân huyện Quản Bạ, giai đoạn 2018 – 2023” được ban hành từ năm 2018. Đến nay, mô hình liên kết chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Lùng Tám (Quản Bạ) bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao; góp phần tích cực vào việc phát triển KT – XH tại địa phương.
Liên kết chăn nuôi bò vỗ béo tại xã Lùng Tám cho thu nhập trung bình 90 - 100 triệu đồng/thành viên/năm. |
Nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến địa phương, luôn đảm bảo các cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện vận dụng linh hoạt phát triển nhóm, đạt lợi ích chung cho cả nhóm. Với hình thức thành lập nhóm liên kết chăn nuôi bò vỗ béo không giới hạn về số lượng hội viên tham gia, có cùng quan điểm, sở thích chăn nuôi bò vỗ béo; đến nay, Mô hình liên kết chăn nuôi bò vỗ béo tại xã Lùng Tám đã phát triển lên đến 12 thành viên với quy mô 130 con bò. Các thành viên trong nhóm luôn tích cực trao đổi thông tin, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, nguồn hàng, kỹ thuật chăm sóc trâu, bò sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, nhóm thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân xã về kết quả hoạt động của nhóm để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi xảy ra.
Đến thôn Lùng Tám Thấp, đang trong giai đoạn cao điểm vỗ béo đàn bò lứa đầu tiên trong năm nay, nhiều hộ dân đã mở rộng, chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Anh Vàng Mí Sùng, Trưởng nhóm, chia sẻ: So với cách chăn nuôi truyền thống, mô hình liên kết chăn nuôi vỗ béo bò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bởi 1 năm có thể nuôi được từ 3 đến 4 lứa, đầu ra của sản phẩm có thị trường ổn định. Bên cạnh đó, liên kết trong chăn nuôi bò vỗ béo đã mang lại những lợi ích thiết thực, như: Tăng thu nhập cho người chăn nuôi, nhờ hạn chế được khâu trung gian, đảm bảo tính minh bạch; các thành viên có thể giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chọn, mua bán bò giống và chăm sóc; có sự thống nhất về giá cả của sản phẩm khi xuất ra thị trường, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh... Nhờ vậy, sau một thời gian duy trì và phát triển, các thành viên trong nhóm đều có nguồn thu nhập ổn định, trung bình từ 90 – 100 triệu đồng/năm; có thành viên đạt tới gần 200 triệu đồng/năm.
Anh Ly Mí Páo là một trong những thành viên, cho biết: Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các thành viên trong nhóm, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm để nuôi trâu, bò vỗ béo hiệu quả, ví dụ như: Chọn những con trâu, bò gầy nhưng có khung xương to, vóc dáng lớn, sau quá trình nuôi vỗ béo con vật mới có khối lượng lớn và cho lãi cao. Quá trình chăn nuôi cần chú ý vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ, phải tẩy giun, sán cho trâu, bò trước khi đưa vào nuôi vỗ béo. Còn về chế độ dinh dưỡng, mỗi con trâu, bò nuôi vỗ béo hàng ngày phải có chế độ ăn đầy đủ, có sự kết hợp giữa thức ăn tinh và thức ăn thô... Trung bình khoảng 3 tháng nuôi vỗ béo, đàn trâu, bò của gia đình tôi phát triển tốt, trọng lượng bình quân mỗi con tăng từ 70 đến 150 kg, cho lãi 5 triệu đồng/con.
Nhờ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá nói chung và nuôi vỗ béo trâu, bò nói riêng; nhiều hộ dân ở xã Lùng Tám đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng chí Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lùng Tám, cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tích cực tham mưu, đề xuất với UBND xã trong hỗ trợ phát triển nhóm liên kết chăn nuôi bò vỗ béo tiếp cận khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực khuyến khích hội viên phát triển quy mô, mở rộng hoặc chuyển đổi mô hình ngành, nghề theo hướng hàng hóa, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm giúp hội viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: ĐẠI TÂM
Ý kiến bạn đọc