Lao động làm việc ngoài tỉnh góp sức xây dựng quê hương Quang Bình
BHG - Vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh; những năm qua, huyện Quang Bình đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đưa lao động (LĐ) đi làm việc ngoại tỉnh. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm (GQVL), đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Người lao động huyện Quang Bình tìm hiểu việc làm. |
Là huyện thuần nông, Quang Bình có hơn 40.000 người trong độ tuổi LĐ, chiếm 62% tổng dân số. Nguồn nhân lực dồi dào này vừa là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển KT - XH, song cũng đặt ra không ít thách thức trong vấn đề GQVL; bởi các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng số ít nguồn LĐ hiện có. Do đó, việc đưa LĐ đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ngoài tỉnh được xem là “bài toán” hữu hiệu để GQVL, tạo thu nhập cho người LĐ. Qua khảo sát thực tế, mỗi năm, nhu cầu tìm kiếm việc làm toàn huyện có trên 5.000 người. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thông tin việc làm của lực lượng này còn hạn chế, chưa chủ động, do tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Để khuyến khích LĐ tham gia làm việc ngoại tỉnh, huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội chợ giới thiệu việc làm hằng năm để giúp người LĐ tìm hiểu, nắm bắt thị trường, vị trí việc làm, chính sách ưu đãi của nhà tuyển dụng; qua đó, lựa chọn những ngành nghề phù hợp với trình độ, năng lực.
Ông Bùi Xuân Hải, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Giai đoạn 2015 - 2019, toàn huyện đã GQVL cho 12.845 LĐ. Trong đó, có 7.973 LĐ đi làm việc ngoài tỉnh; 37 LĐ đi xuất khẩu LĐ; 4.835 người làm việc tại địa phương. Để đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng, chúng tôi luôn quan tâm, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH của huyện và nhu cầu của thị trường LĐ. Ước tính đến hết năm 2020, tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 55% (riêng đào tạo nghề đạt 45%). Hằng năm, hội chợ giới thiệu việc làm đã thu hút hàng chục doanh nghiệp, như: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Công ty Cổ phần Vạn Xuân Vinaxan (Hà Nội); Công ty TNHH Continuance Việt Nam,… cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên và người LĐ tham dự. Đa số ngành nghề cần LĐ là: Lắp ráp điện tử, dệt, may mặc; với công việc và thu nhập ổn định; cuộc sống của người LĐ ngoại tỉnh trở nên khá giả hơn”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang, chị Lý Thị Vân, thôn Tịnh, xã Xuân Giang, bày tỏ: “Những năm trước, ở quê chỉ sản xuất đơn thuần nên cuộc sống của gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau nên không có vốn để phát triển kinh tế. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định đi làm công nhân 4 năm tại tỉnh Đồng Nai; với công việc may mặc và sản xuất ắc quy, đồng lương của mỗi người đạt 10 triệu đồng/tháng. Khi đã tích cóp được khoản tiền kha khá, vợ chồng tôi trở về quê làm nhà, mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp và đầu tư con giống phát triển chăn nuôi. Hiện, kinh tế gia đình đã ổn hơn nhiều so với trước, chồng tôi vẫn thích đi làm công nhân để trang trải thêm cho gia đình”.
Cùng xóm nhà chị Vân, 2 vợ chồng con ông Hoàng Văn Xiêm làm may mặc, giày da tại tỉnh Hải Dương. Ông Xiêm cho biết: “Hằng tháng, các con tôi gửi về từ 8 - 10 triệu đồng để tiết kiệm làm nhà và nuôi con ăn học. So với làm việc ở quê, LĐ ngoài tỉnh có mức thu nhập cao hơn hẳn... Chưa kể, các con tôi còn được công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hưởng chế độ thai sản; mỗi dịp Tết đến, Xuân về; xã đều tổ chức gặp mặt động viên, khích lệ người LĐ đi làm ăn xa nên ai cũng mừng”. Thôn Tịnh hiện có trên 70 LĐ ngoài tỉnh, dù xa nhà nhưng người LĐ chấp hành tốt các quy định của thôn, đóng góp đầy đủ cho xã hội. Với số người đi LĐ ngoài tỉnh cũng tăng theo từng năm, người dân có điều kiện nâng cấp, sửa chữa nhà ở nên thôn đã xóa hoàn toàn nhà tạm từ năm 2016; 40% số hộ có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Không chỉ riêng thôn Tịnh, hầu hết ở các làng quê, những ngôi nhà kiên cố được xây mới ngày càng nhiều là do một phần công sức không nhỏ của người LĐ ngoại tỉnh. Bên cạnh chính sách nhân văn của tỉnh về hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối thị trường cung cầu LĐ, huyện còn có những cách làm hay để quản lý đảng viên, người LĐ đi làm ăn xa bằng cách lồng ghép sinh hoạt “4 hội, 4 chi”, tổ chức gặp mặt cuối năm. Đây là lực đẩy góp phần khuyến khích người LĐ đăng ký tham gia các chương trình tuyển dụng đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoại tỉnh để GQVL, góp sức xây dựng quê hương Quang Bình ngày càng phát triển phồn thịnh, văn minh.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc