Bắc Quang tập trung đầu tư cho kinh tế lâm nghiệp
BHG - Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng đã trở thành phương châm hành động xuyên suốt được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang triển khai quyết liệt, đồng bộ. Qua đó, từng bước hiện thực mục tiêu đưa sản xuất lâm nghiệp thành một ngành kinh tế về tài nguyên môi trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường.
Người dân xã Kim Ngọc chăm sóc vườn keo. |
Phát triển kinh tế rừng là tiềm năng, thế mạnh tại 9 xã thuộc vùng phía Đông sông Lô của huyện Bắc Quang, như: Vô Điếm, Kim Ngọc, Bằng Hành, Liên Hiệp, Hữu Sản, Đức Xuân... Để phát huy thế mạnh này, tháng 8.2016, BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu và rừng sản xuất ở các xã vùng phía Đông sông Lô, giai đoạn 2016 – 2020. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Hồng Tuyên: Đây là nhiệm vụ quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền 9 xã khu vực phía Đông sông Lô thống nhất cao giữa nhận thức và hành động để lãnh đạo nhân dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển KT-XH bền vững, trong đó có kinh tế rừng.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của nghề trồng rừng, nhân dân các xã trên ngày càng quan tâm đến trồng rừng. Minh chứng cho thấy, chuyển từ việc gieo trồng cây giống bằng hạt sang trồng cây giống bằng hom; các giống cây lâm nghiệp tốt được đưa vào sản xuất; trồng rừng gắn với thâm canh để tăng năng suất trong chu kỳ khai thác được chú trọng áp dụng… Đặc biệt, Nghị quyết số 06 đặt mục tiêu đến năm 2020 trồng mới 2.600 ha rừng sản xuất, đẩy mạnh thâm canh rừng để trữ lượng gỗ đạt từ 80 – 120 m3/ha/chu kỳ khai thác. Nhưng chỉ 2 năm sau, tức năm 2018, diện tích rừng trồng mới toàn vùng phía Đông sông Lô lên đến 3.479,2 ha, đạt 133,8% so với mục tiêu. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt 40.000 m3/năm, trữ lượng gỗ trên 80 m3/ha. Riêng năm 2016, toàn huyện có 1.006 ha rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ rừng. Tiêu biểu như hộ anh Trương Văn Đồng, thôn Pha (xã Đồng Tâm) liên kết với 18 hộ dân trồng 34,8 ha rừng. Giá trị kinh tế ước đạt 80 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác…
Nối tiếp kết quả trên, UBND huyện Bắc Quang tiếp tục triển khai kế hoạch trồng mới 200 ha rừng từ nguồn ngân sách nhà nước. Kế hoạch này được ưu tiên thực hiện tại 3 xã phía Đông sông Lô (Thượng Bình, Kim Ngọc, Đồng Tâm) và xã Tân Thành; nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo về diện tích, chất lượng, mang lại hiệu quả về KT-XH và môi trường; nâng cao thu nhập của nhân dân từ kinh doanh rừng trồng. Hiện nay, huyện Bắc Quang đã, đang hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2017 – 2020, như: Bảo vệ và phát triển bền vững đối với 44.598,2 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên của huyện; khai thác và trồng 7,3 nghìn ha rừng sau khai thác; khoanh nuôi tái sinh gần 1.500 ha rừng gắn với bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Mặt khác, xây dựng để cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 12.700 ha rừng trồng mới và rừng đang chăm sóc để nâng cao giá trị kinh tế rừng, thực hiện mục tiêu xuất khẩu gỗ. Không những vậy, tỷ lệ che phủ rừng của toàn huyện đã đạt 65,1%; tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao chiếm trên 30% so với tổng diện tích rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc