Tín hiệu vui trong quản lý chất lượng nông, lâm sản
BHG - Theo thông báo mới đây của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kết quả xếp hạng các địa phương trong triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản năm 2019, tỉnh ta xếp thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước; đứng thứ 3 khu vực các tỉnh phía Bắc và nằm trong nhóm các địa phương triển khai tốt công tác này. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và đảm bảo ATTP của tỉnh ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày sâu rộng và yêu cầu về thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ được các đơn vị tiêu thụ và người tiêu dùng đặt lên hàng đầu như hiện nay.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của anh Đoàn Tuấn Anh, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). |
Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý kịp thời, hiệu quả. Trong năm 2019, UBND tỉnh ban hành 7 văn bản về thực hiện kế hoạch hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực; phân cấp quản lý điều kiện ATTP các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn… Sở NN&PTNT ban hành 22 văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản.
Trong năm 2019, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra 27 cuộc/38 lượt cơ sở; thanh tra chuyên ngành 7 cuộc, xử lý triệt để 100% các cơ sở vi phạm theo quy định. Giám sát ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm và các cơ sở được xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn theo đúng quy định. Thực hiện lấy 1.924 mẫu đất và mẫu sản phẩm để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu về chất lượng đất sản xuất, chất lượng ATTP sản phẩm. Kết quả, 100% số mẫu kiểm tra đều đạt ngưỡng an toàn. Một điểm quan trọng là trong năm 2019, toàn tỉnh không để xảy ra bất kỳ vụ việc vi phạm nào về chất lượng, an toàn các sản phẩm thuộc phạm vi, lĩnh vực chuyên ngành quản lý trên địa bàn.
Với đặc thù có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc cùng nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới; các ngành chức năng của tỉnh đã làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu vào địa bàn. Với số lượng nhập khẩu vào địa bàn là 1.815 chuyến, xuất khẩu ra khỏi địa bàn 76 chuyến, số lượng động vật và sản phẩm động vật đều có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hàng tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu. Trong năm 2019, đã kiểm tra 182 chuyến với số lượng hơn 3.300 tấn hàng hóa; phát hiện và xử lý 326 vụ vi phạm kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm; thu nộp ngân sách 470,105 triệu đồng.
Tập trung triển khai thực hiện chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn để tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngay từ gốc và thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững chính là yếu tố quan trọng giúp tỉnh ta đạt được thứ hạng 14/63 tỉnh, thành về triển khai công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản năm 2019. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 2 phần mềm quản lý toàn bộ diện tích cam, chè được chứng nhận VietGAP, GAP trên nền bản đồ VN2000. Tạo thuận lợi cho công tác quản lý và hỗ trợ hiệu quả cho các cơ sở sản xuất trong việc theo dõi, cập nhật quá trình sản xuất, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp tốt vào các sản phẩm chủ lực, mở rộng diện tích cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng vùng sản xuất chè búp tươi gắn với cơ sở chế biến để chứng nhận sản xuất chè hữu cơ. Thực hiện duy trì, chuyển đổi cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 15 vùng/775 ha cam Sành; đưa tổng diện tích cam Sành được duy trì theo tiêu chuẩn VietGAP đến hết năm 2019 là 2.233,5 ha. Cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho 49 cơ sở sản xuất cam VietGAP, thực hiện duy trì, chuyển đổi cấp chứng nhận VietGAP cho 22 vùng chè/2.623,5 ha chè. Tập huấn cho 8.176 lượt người về thực hành nông nghiệp tốt và kiến thức về ATTP.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn tiên tiến. Đến nay, tỉnh ta đã thực hiện cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn HACCP cho 8 cơ sở (gồm 7 cơ sở chế biến mật ong, 1 cơ sở chế biến chè), cấp chứng nhận VietGAP, VietGAHP cho 9 cơ sở nuôi ong và 5 cơ sở chăn nuôi gà, lợn, sản xuất rau.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, cho biết: Thực tế triển khai công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh ta gặp không ít khó khăn do nhiều yếu tố khách quan mang lại, như: Địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đồng đều, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số… Do đó, để đạt được kết quả trên là cả một sự cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các ngành chức năng. Đối với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tập trung rà soát, tham mưu phân công, phân cấp thực hiện công tác quản lý vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về vệ sinh ATTP trên địa bàn, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản, giám sát chặt chẽ vệ sinh ATTP đối với những mặt hàng nông sản chủ lực. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần tích cực nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trong sản xuất, chế biến, cung cấp hàng hóa và sử dụng thực phẩm an toàn…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc