Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi
BHG - Tăng cường công tác quản lý từ chuẩn bị đầu tư, sau đầu tư; sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư, khắc phục tình trạng yếu kém trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng; sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng đang là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Công trình thủy lợi thôn Nà Lách, xã Linh Hồ (Vị Xuyên). |
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 4.099 công trình thủy lợi cấp nước tưới cho 36.033 ha lúa 2 vụ; trong đó, diện tích tưới cho vụ Xuân là 10.021 ha, diện tích tưới chắc 9.237,9 ha với 4.289 km. Kênh mương kiên cố hoạt động tốt là 1.882 km, kênh kiên cố đã bị hư hỏng 823 km, kênh đất 1.584 km. Ngoài ra, cấp nước để khai thác các ngành kinh tế tổng hợp khác, như: Tưới rau, màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, phát điện, nuôi trồng thuỷ sản nhằm góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; các công trình hầu hết được đầu tư đã lâu, đến nay, đều đã xuống cấp. Hiện tại, trong số 4.099 công trình, có 2.901 công trình hoạt động tốt; số công trình có nhu cầu nâng cấp, sửa chữa, hoạt động không hiệu quả lên đến 1.198 công trình; trong đó, hơn ba phần tư là các tuyến kênh, còn lại là đập đầu mối và công trình trên kênh mương… Trong những năm gần đây, bằng nguồn ngân sách huyện và nguồn cấp bù thủy lợi phí hàng năm đã duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa được 428 công trình.
Trao đổi về trách nhiệm quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, đồng chí Giáp Mai Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, cho biết: Để quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của tỉnh; Sở Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố để có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ. Hằng năm, chủ động xây dựng kế hoạch tưới tiêu, điều tiết phân phối nước; rà soát các công trình hư hỏng, xuống cấp để lập kế hoạch ưu tiên các hạng mục công trình mang tính cấp bách đưa vào tu sửa, nâng cấp từ nguồn kinh phí được phân cấp hằng năm; tổng hợp kết quả đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn được giao quản lý. Đối với việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí; các huyện, thành phố đã thực hiện thu chi, thanh quyết toán đúng với hướng dẫn của Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp - PTNT.
Hiện, các công trình thủy lợi sau đầu tư đều có tổ hợp tác dùng nước quản lý trực tiếp, gắn trách nhiệm quản lý của cộng đồng; nhất là đối với các hộ được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn đối với công trình. Các công trình được quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, những hư hỏng nhỏ đều được sửa chữa kịp thời; qua đó, các công trình được khai thác một cách hợp lý, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước và phát huy hiệu quả đầu tư; phục vụ tốt cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư. Phát huy công tác quản lý nhà nước về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi của các cơ quan, đơn vị giám sát nguồn kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí và các nguồn vốn khác đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng quy định và phát huy được hiệu quả. Đồng thời, phân cấp được tổ chức quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi sau đầu tư; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi để thực hiện nhiệm vụ quản lý nước, quản lý và bảo vệ công trình và quản lý kinh tế.
Ông Hoàng Văn Yểng, Trưởng thôn Bản Tàn, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên – nơi có hồ, đập Bản Tàn cung cấp nước tưới tiêu cho 128 ha đất nông nghiệp, cho biết: Hiện, xã Trung Thành đã thành lập Tổ hợp tác dùng nước; trong đó, mỗi thôn có một thành viên; mỗi năm, các thành viên được hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng. Các thành viên có trách nhiệm quản lý, vận hành và duy tu, sữa chữa kịp thời các công trình khi có hư hỏng nhỏ; qua đó, đã nâng cao được hiệu quả của các công trình.
“Hiệu quả của các công trình thủy lợi trong tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ cao hơn khi khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình quản lý vận hành, như: Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã lâu, phân cấp quản lý nhiều lần, hồ sơ công trình bị thất lạc; gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành và sử dụng. Chính quyền địa phương một số huyện, xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình. Chưa có sự quan tâm đúng mực tới các tổ hợp tác dùng nước trên địa bàn, công tác kiện toàn các tổ quản lý nhiều lúc, nhiều nơi chưa kịp thời; dẫn đến hoạt động duy trì chưa được thường xuyên, quản lý còn nhiều hạn chế. Kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cần sửa chữa các công trình” - đồng chí Giáp Mai Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết thêm.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc