Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
BHG - Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trung tâm của chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, việc triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp chính là bước cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Người dân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thu nhập cao từ trồng dưa trong nhà lưới. Ảnh: TƯ LIỆU |
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kích cầu sản xuất, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung khuyến khích phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu như các Nghị quyết số 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh; cùng các đề án nửa triệu con đại gia súc; phát triển cây dược liệu; phát triển cây đậu tương; phát triển cây cam, quýt; chương trình OCOP... Thông qua các cơ chế, chính sách đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, được nhân rộng, nhiều hợp đồng liên doanh, liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp được thực hiện. Toàn tỉnh hiện có trên 2.440 mô hình sản xuất hiệu quả. Một số địa phương chú trọng ứng dụng KHKT vào sản xuất; xây dựng phương án liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ, như: Trồng dứa, mía, ngô hàng hóa, dược liệu, mô hình sản xuất chè, cam theo tiêu chuẩn VietGap,… các mô hình này đã góp phần tích cực tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
Không chỉ phát triển về số lượng các mô hình kinh tế, việc đổi mới quy mô sản xuất cũng được tỉnh quan tâm. Đến nay, đã có nhiều mô hình và cách làm hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất cho người dân, như: Thành lập các tổ quản lý, điều hành sản xuất tại thôn, bản; phát triển các nhóm sở thích; tổ hợp tác; hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ… Hiện, toàn tỉnh có 2.696 HTX, tổ, nhóm sở thích sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Đối với chương trình OCOP, UBND các huyện, thành phố đã lựa chọn trên 200 sản phẩm của 7 doanh nghiệp, 89 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác, 31 hộ gia đình để thực hiện, được chia theo 6 nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm thực hiện. Các huyện, thành phố đã mở hàng trăm lớp dạy nghề ngắn hạn, đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ,… giúp cho người dân tham gia nâng cao nhận thức về khuyến nông, trồng trọt, chăn nuôi. Sau đào tạo, nhiều học viên đã ứng dụng được vào thực tiễn cuộc sống để phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Năm 2019, toàn tỉnh giảm được 7.251 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 26,73% (giảm 4,43% so với năm 2018).
Xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc với mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp là cần thiết để tạo được bước đột phá trong thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc