Thành quả trân quý nơi vùng biên Lao Chải
BHG - Có lẽ, vượt lên từ gian khó, thành quả xây dựng Nông thôn mới (NTM) của đồng bào Mông xã Lao Chải (Vị Xuyên) sẽ càng thêm trân quý để nhân lên sức mạnh, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ quốc.
Với địa hình chia cắt bởi dốc cao, vực thẳm; đến những con đường bê tông nội thôn chỉ rộng 1,5 m hay những chuồng nuôi gia súc “siêu mini” đủ nuôi 1 – 2 con lợn,… đã trở thành minh chứng cho thấy công cuộc xây dựng NTM ở xã vùng biên Lao Chải phải đối diện không ít khó khăn.
Đồng bào Mông thôn Ngài Là Thầu chuyển diện tích ruộng không chủ động về nước sản xuất sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc. |
Là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Vị Xuyên trên 60 km; có đường biên giới Việt – Trung hơn 7,7 km. Toàn xã có 4 thôn, bản; gồm 2 thôn nội địa là Ngài Là Thầu, Cáo Sào và 2 thôn biên giới là Lùng Chu Phùng và Bản Phùng. Người dân trong xã, chủ yếu là đồng bào Mông, với 421 hộ/2.319 khẩu. Chủ tịch UBND xã Lao Chải – Mương Văn Lạc cho biết: Với đặc thù là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, nên việc thực hiện chương trình xây dựng NTM đối với xã gặp không ít truân chuyên. Đơn cử vào mùa mưa, đường giao thông đi lại khó khăn, mây mù, đường trơn trượt có khi bị ách tắc nhiều ngày do sạt, lở. Để xây dựng được một công trình trên địa bàn phải phụ thuộc vào thời tiết nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng. Hơn nữa, trên địa bàn xã không có vật liệu xây dựng, phải vận chuyển từ thành phố Hà Giang hoặc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) với khoảng cách từ 20 đến 40 km; và mùa khô mới có thể thi công được. Hơn nữa, thời tiết ở Lao Chải tương đối khắc nghiệt, mùa Đông thường rét đậm, rét hại kéo dài; mùa mưa, lượng nước mưa tương đối lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Thêm vào đó, mùa khô thường thiếu nước, khiến đồng bào chỉ có thể sản xuất duy nhất một vụ Mùa trong năm.
Cùng với khó khăn trên, do trình độ dân trí không đồng đều, nên việc tuyên truyền cho đồng bào hiểu và thực hiện chủ trương, chính sách còn hạn chế. Ví như việc thực hiện 3 công trình vệ sinh (bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh), di chuyển chuồng trại ra xa nhà chưa hiệu quả; do đồng bào vốn quen với phong tục, tập quán cũ. Hơn nữa, do địa hình đồi núi dốc và bị chia cắt mạnh, nên nhiều hộ khó có mặt bằng để mở rộng phát triển chăn nuôi mà chỉ có thể làm được chuồng nuôi từ vài mét vuông đến vài chục mét vuông để nuôi lợn hoặc trâu, bò... Dù các thôn cơ bản có đường bê tông, nhưng nhiều thôn, như: Cáo Sào, Ngài Là Thầu, Bản Phùng không mở rộng được nền đường nên chỉ thi công được loại đường 1,5 m. Do đó, chưa đáp ứng được đường cho xe ô tô đi lại để giao thương hàng hóa...
Chủ tịch UBND xã Lao Chải chia sẻ thêm: Không chỉ có khó khăn trên, đời sống và thu nhập của nhân dân tuy có được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Thu nhập bình quân mới chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, lên đến 53,6%. Do đó, việc huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM còn nhiều hạn chế, nhất là những nội dung liên quan đến đóng góp bằng kinh phí; trong khi đó, xây dựng NTM yêu cầu phải toàn diện và dựa vào sự phát huy nội lực của cộng đồng dân cư là chính để đảm bảo tính ổn định, lâu dài...
Mặc dù đến thời điểm này, xã Lao Chải mới đạt 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM. Nhưng với xuất phát điểm thấp, lại vươn lên từ gian khó; nên thành quả xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị và đồng bào Mông nơi đây càng thêm trân quý. Điển hình trong đó, Lao Chải đã hình thành cây, con thế mạnh, như: Chè Shan tuyết, Thảo quả; chăn nuôi đại gia súc… Và nay, xã có 98/106,4 ha chè Shan tuyết cho thu hoạch với sản lượng 68,6 tấn chè búp tươi, tạo doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, Thảo quả trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; với 354/422,8 ha Thảo quả cho thu hoạch, giúp đồng bào trong xã có doanh thu trên 2,5 tỷ đồng khi sản lượng Thảo quả ước đạt gần 130 tấn quả tươi/năm. Ấn tượng hơn, trong chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò của xã đã đạt gần 1.000 con; duy trì tổng đàn lợn, dê gần 1.500 con và trên 8.000 con gia cầm. Qua số liệu thống kê của xã cho thấy: Riêng năm 2019, nhân dân trong xã đã xuất ra thị trường 103 con trâu, bò; gần 15 tấn thịt dê, lợn hơi; xuất bán gần 2 tấn gia cầm với tổng giá trị từ chăn nuôi lên đến hơn 3 tỷ đồng...
Thời điểm này, thời tiết đã cuối Xuân, nhưng cái rét nơi vùng biên Lao Chải vẫn như cứa vào da thịt. Dù vậy, thung lũng hoa Đào vẫn khoe sắc thắm, hàng cây mận khẳng khiu vẫn nở bạt ngàn hoa trắng tinh khôi; dù mùa Đông vừa trút lá. Ở đó, đồng bào Mông vẫn cùng nhau cắt cỏ, nuôi nhốt trâu, bò hoặc giúp nhau thu hái Thảo quả, chè Shan tuyết… Bất giác, tôi nhớ đến câu nói của ai đó: “Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp”. Có lẽ, vượt lên từ gian khó, thành quả xây dựng NTM của đồng bào Mông ở Lao Chải sẽ càng thêm trân quý để nhân lên sức mạnh, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc