Quang Bình chú trọng vùng chuyên canh cây trồng chủ lực
BHG - Gần 4 năm qua, kể từ khi Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh được ban hành và triển khai thực hiện, lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở huyện Quang Bình đã có chuyển biến rõ nét. Việc hình thành những vùng chuyên canh sản xuất cây trồng chủ lực mang giá trị kinh tế cao đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa nông sản đến gần hơn với thị trường.
Cánh đồng chuyên canh sản xuất lạc thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng, gia đình ông Lò Văn Biên đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa vụ Xuân không chủ động nguồn nước tưới sang trồng lạc. Quá trình sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật canh tác đồng bộ đã làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng và đem lại thu nhập cao cho người dân trong thôn. Với năng suất bình quân đạt 25 tạ/ha, giá bán khoảng 13 - 15 nghìn đồng/kg lạc tươi, bà con thu về hàng chục triệu đồng mỗi vụ, cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa. Ông Biên cho biết: “Nhà tôi có 7.000 m2 đất trồng lạc, chủ yếu là giống lạc đỏ, vào vụ thu hoạch, thương lái thu mua tại ruộng nên không mất công vận chuyển. Mấy năm nay, lạc được mùa lại được giá, số tiền bán lạc đạt 30 - 40 triệu đồng, giúp tôi có thêm đồng vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu cho gia đình”.
Không chỉ riêng cây lạc, xã Vĩ Thượng còn quy hoạch vùng trồng lúa, ngô, cam hàng hóa. Với những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản xuất, người nông dân thực sự làm chủ trên mảnh đất của mình để tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác hàng năm đạt 58 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4.557 tấn. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của xã cũng đứng trước những khó khăn vì đầu ra phụ thuộc vào thương lái, chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm. Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu sản xuất nông nghiệp tăng 5%/năm, địa phương cần xác định cụ thể các vùng chuyên canh gắn kết tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để đảm bảo phát triển bền vững.
Là vùng trồng lúa trọng điểm, xã Bằng Lang đã thực hiện dồn điền đổi thửa, tập trung chủ yếu tại thôn Hạ và Hạ Thành để sản xuất lúa chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên những giống lúa chủ lực như: Thiên ưu 8, PC15, HTK99. Để duy trì diện tích lúa, xã áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giúp nông dân giảm chi phí, giảm sức lao động. Với phương châm “5 cùng” và công tác phòng, chống sâu bệnh tốt, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon, dễ bán. Phát huy thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống lúa mới vừa để đáp ứng nhu cầu lương thực, vừa đảm bảo định hướng sản xuất hàng hóa.
Để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, huyện đã đổi mới nội dung, phương pháp và cơ chế hỗ trợ theo hình thức đầu tư có thu hồi, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào sản xuất. Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng chè ở các xã Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Bắc; vùng cam ở Yên Hà, Hương Sơn, Tiên Yên; vùng lúa xã Vĩ Thượng, Bằng Lang, Xuân Giang... Hiện, trong nhóm 24 sản phẩm đăng ký thực hiện chương trình OCOP, đã có 4 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao và 3 sao theo đánh giá phân hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, toàn huyện có 240 ha cánh đồng mẫu trồng lúa; 600 ha cánh đồng mẫu trồng ngô; trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.119 ha, chiếm 41% tổng diện tích; gần 1.200 ha chè đạt VietGAP. Với sự đột phá trong nông nghiệp, sản lượng lúa đạt 32.882 tấn/năm; ngô là 9.270 tấn; chè đạt 12.000 tấn; cam đạt khoảng 13.000 tấn.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, mối liên kết “4 nhà” trong vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa chưa chặt chẽ dẫn đến thu hút đầu tư giữa doanh nghiệp với vùng nguyên liệu còn lỏng lẻo. Với quan điểm không dàn trải lấy số lượng; chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm từ các cây, con chủ lực, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; dồn điển, đổi thửa; dùng mạ khay, máy cấy để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn. Để tạo đà cho người dân, huyện khuyến khích phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, xây dựng đề án mỗi làng một sản phẩm và ưu tiên các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp để cùng đồng hành, sát cánh với nông dân, tìm ra con đường tiêu thụ nông sản ổn định”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc