Nâng cao chất lượng sản phẩm cam Vị Xuyên
BHG - Cây cam được xác định là cây hàng hóa mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp và là một trong những sản phẩm chủ lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Vị Xuyên. Do đó, huyện đã và đang phát triển sản xuất bền vững gắn với việc nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm cam địa phương.
Ông Đặng Thế Lượng, thôn Cuôm, xã Trung Thành, chăm sóc vườn cam đang ra hoa. |
Hiện nay, huyện Vị Xuyên có tổng diện tích 392,8 ha cây cam các loại, tập trung tại 3 xã Trung Thành, Việt Lâm và Quảng Ngần. Trong đó, cam Sành diện tích 282 ha (diện tích đang thời kỳ kiến thiết cơ bản là 53,2 ha; 228,8 ha đang cho thu hoạch); cam Vinh, cam chanh, cam Đường canh… có tổng diện tích 110,8 ha. Năng suất ước đạt 80 tạ/ha, doanh thu ước đạt 12,8 tỷ đồng/năm. Để giữ ổn định và phát triển bền vững thương hiệu sản phẩm cam Vị Xuyên, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đối với cây cam theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững. Cùng với đó, các ngành chuyên môn thường xuyên hướng dẫn người dân đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, kéo dài chu kỳ kinh doanh. Đối với diện tích cam qua thời kỳ kiến thiết cần tập trung chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cắt tỉa tạo hình, khung tán cho vườn cam để có năng suất cao hơn; khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ cộng đồng và đảm bảo chất lượng cam.
Huyện cũng tích cực mở rộng diện tích thâm canh cam theo quy trình VietGAP, tập trung vào sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất liên kết hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác. Các sản phẩm cam được sản xuất theo quy trình VietGAP sau khi được cấp chứng nhận sẽ được cấp tem truy xuất nguồn gốc dán trực tiếp lên sản phẩm, đảm bảo nguồn gốc và an toàn cho người sử dụng. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 90,11 ha diện tích cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, xã Trung Thành có 53,4 ha/142 hộ, xã Việt Lâm 36,71 ha/46 hộ. Có 11 hộ dân được hỗ trợ giải ngân 1,95 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất cam theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Huỳnh, Giám đốc HTX sản xuất Nông, lâm nghiệp Minh Thành, xã Trung Thành, cho hay: “HTX hiện đang chăm sóc 43 ha cam Sành, trong đó có 4 ha được cấp Chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, sản lượng cam của HTX gần 300 tấn; thương lái vào thu mua tận vườn và bán tại một số gian hàng của huyện; doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Hiện nay, cây cam đang trong thời kỳ ra hoa, do đó, các hộ thành viên trong HTX đang tích cực chăm sóc, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh để cây cam phát triển tốt”.
Là một trong những hộ trồng cam lâu năm tại xã Trung Thành, gia đình ông Đặng Thế Lượng có 1 ha cam Sành hơn 6 năm tuổi. Thời điểm này, ông đang tiến hành vun gốc, bón phân và tỉa cành cho cây để cây ra hoa, đậu quả tốt trong niên vụ cam mới. Ông Lượng cho biết: “Vụ cam năm 2019 không được sai quả lắm, gia đình tôi thu được gần 6 tấn quả. Thu nhập cả vụ được 100 triệu đồng. Năm nay, cây cam ra hoa nhiều, hy vọng cuối năm nay sẽ cho thu hoạch cao”.
Bên cạnh đó, huyện Vị Xuyên cũng tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cam. Thực hiện quảng bá hình ảnh sản phẩm cam trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa sản phẩm cam tham gia các hội chợ quảng bá xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Cần Thơ… Hỗ trợ xây dựng các ki ốt trưng bày và bán sản phẩm dọc tuyến Quốc lộ 2 tại địa bàn thôn Việt Thành, xã Việt Lâm; liên hệ giới thiệu sản phẩm cam tới các hệ thống siêu thị tại các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh…
Thời gian tới, huyện xác định sẽ duy trì diện tích cam hiện có trên địa bàn các xã, đối với các diện tích trồng mới, khuyến khích chuyển đổi sang các giống cam mang tính chất rải vụ thu hoạch như cam Vinh, cam V2; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây cam, mở rộng hơn nữa các diện tích trồng và chăm sóc cam an toàn theo quy trình VietGAP, hữu cơ; thực hiện quy hoạch vùng trồng tập trung theo từng địa bàn để thuận tiện cho việc đầu tư, chăm sóc đồng bộ, thuận tiện cho việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cam Hà Giang; tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cam với các doanh nghiệp, HTX; tăng cường quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cam Vị Xuyên – Hà Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc