Không ngừng lớn mạnh, hiện đại đáp ứng sự tin tưởng của khách hàng

16:13, 27/03/2020

BHG - Ngày 26.3.1988 là ngày thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Việt Nam). Trải qua 32 năm nỗ lực, đổi mới cùng đất nước; Agribank Việt Nam đã khẳng định một thương hiệu và vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước, là công cụ quan trọng, hiệu quả của Đảng và Nhà nước trong việc phục vụ nhiệm vụ phát triển KT – XH. Đặc biệt là việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Agribank Việt Nam đã có chi nhánh ở 63/63 tỉnh, thành; trong đó, có mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhất cả nước. Gần 30 năm đồng hành với miền đất Hà Giang, Agribank Hà Giang đã để lại những dấu ấn đậm nét, được cấp ủy, chính quyền tin tưởng, khách hàng gắn bó.

Lãnh đạo Agribank Hà Giang thăm mô hình sản xuất của người dân huyện Bắc Quang.                                                     Ảnh: Chu Mạnh Hải
Lãnh đạo Agribank Hà Giang thăm mô hình sản xuất của người dân huyện Bắc Quang. Ảnh: Chu Mạnh Hải

Nhìn lại chặng đường gần 30 năm phát triển đầy tự hào của Agribank Hà Giang, đơn vị được tách ra từ Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên vào tháng 10.1991; cùng thời điểm tỉnh Hà Giang được tái lập. Những ngày đầu mới thành lập, tổng tài sản của Agribank Hà Giang chưa tới 15 tỷ đồng; tổng nguồn vốn trên 10 tỷ đồng; tổng dư nợ trên 5 tỷ đồng và chỉ thực hiện các sản phẩm ngân hàng truyền thống, như: Nhận tiền gửi, đầu tư tín dụng... Qua gần 30 năm, Agribank Hà Giang luôn đồng hành với tỉnh trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo để thoát khỏi tình trạng của một tỉnh khó khăn. Những gian khó của địa phương được coi là “nghèo nhất cả nước, nhiều đá, thiếu nước, thiếu đất canh tác và thoát khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước” đã thử thách bản lĩnh của lớp lớp cán bộ, nhân viên Agribank Hà Giang. Từ đó, Agribank Hà Giang từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường Hà Giang, phát triển đúng mục tiêu và hoàn thành xuất sắc tôn chỉ, mục đích vì “Tam nông”; khẳng định vai trò Ngân hàng Thương mại lớn nhất tỉnh trên nhiều phương diện, như: Mạng lưới rộng lớn nhất với 19 điểm giao dịch, gồm 11 chi nhánh và 7 phòng giao dịch, 1 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, 24 cây ATM rút tiền tự động, 1 cây CDM gửi, rút tiền tự động 24/24 giờ và 46 POS được trải đều khắp mọi xã, huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Agribank Hà Giang là đối tác tin cậy của trên 1.000 doanh nghiệp, HTX và gần 80.000 hộ sản xuất, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Giao dịch tại Hội sở Agribank Hà Giang.                              Ảnh: Hải Quỳnh
Giao dịch tại Hội sở Agribank Hà Giang. Ảnh: Hải Quỳnh

Tính đến 31.12.2019, Agribank Hà Giang có tổng nguồn vốn là 4.775 tỷ đồng, với số khách hàng là 101.419; dư nợ đạt trên 5.603 tỷ đồng với gần 28.000 khách hàng có quan hệ tín dụng. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 90% tổng dư nợ. Agribank Hà Giang luôn xem trọng lợi ích của khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm trong mục tiêu hướng tới phát triển bền vững. Tích cực triển khai các chính sách khách hàng của Agribank như các chính sách ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết; tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới, khách hàng tiềm năng.

Trong nỗ lực hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, Agribank Hà Giang luôn xem trọng việc cải tiến khoa học công nghệ, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nỗ lực đưa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với khách hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, như: Phát hành thẻ ATM, chùm dịch vụ Mobilebanking, Emobilebanking, dịch vụ thu hộ tiền điện, tiền nước, thanh toán lương qua tài khoản, bảo an tín dụng... Tính đến nay, toàn tỉnh phát hành được 183.054 thẻ, bao gồm cả phát hành mới và phát hành lại; trong đó, có gần 130.000 khách hàng đăng ký chùm dịch vụ Mobilebanking, thực hiện thanh toán lương qua tài khoản cho gần 1.095 đơn vị... Đặc biệt, vừa qua Agribank Hà Giang đã khai trương, đưa điểm giao dịch ngân hàng tự động (autobank) vào hoạt động. Autobank giúp khách hàng có thể gửi, rút tiền tự động, hoạt động 24/7, trở thành điểm nhấn hiện đại hóa của Agribank Hà Giang.

Bám sát định hướng, chủ trương phát triển của cấp ủy, chính quyền tỉnh, Agribank Hà Giang đã triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách cho vay theo Nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm phục vụ phát triển KT - XH của địa phương, nổi bật là Nghị quyết 209; 86; 29 về “chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Qua đó, Agribank Hà Giang đã đầu tư trên 704 tỷ đồng với trên 7.600 khách hàng; cho vay theo Quyết định 2205/QĐ-UBND của UBND tỉnh đến 31.12.2019 đạt 2.544 tỷ đồng; cho vay các HTX theo Quyết định 2204/QĐ-UBND của UBND tỉnh đến 31.12.2019 đạt 19,1 tỷ đồng.

Với những nỗ lực vươn lên, hoạt động của Agribank Hà Giang đã đóng góp không nhỏ và sự phát triển KT - XH của tỉnh nhà. Đồng thời, đóng góp vào sự phát triển chung của Agribank, đưa Agribank trở thành Ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam; được Đảng, Chính phủ ghi nhận là doanh nghiệp có thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới; ngân hàng vì cộng đồng.

Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn tự lực của Chi nhánh, sự đóng góp của CBCNV và nguồn vốn do Agribank hỗ trợ, Agribank Hà Giang luôn tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh, như: Xây “hồ treo”, trường lớp, học; tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, liệt sỹ; tài trợ các thiết bị y tế, thiết bị giáo dục,... góp phần khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuốc sống.

Để có được sự thành công như hôm nay của Agribank Hà Giang, không thể không nhắc đến các khách hàng; những người luôn tin tưởng, đồng hành và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Agribank những năm qua. Sự tin tưởng của khách hàng, người dân chính là động lực để Agribank Hà Giang tiếp tục nỗ lực đổi mới toàn diện. Nhân kỷ niệm 32 năm thành lập Agribank, xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến các khách hàng của Agribank; sự tin tưởng, gắn bó của khách hàng chính là động lực để Agribank Hà Giang không ngừng đổi mới hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ tốt nhất các nhu cầu của khách hàng.

Nguyễn Ngọc Hải (Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Giám đốc Agribank Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng

BHG - Với quyết tâm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế; Agribank Hoàng Su Phì đang đẩy mạnh các giải pháp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 do Agribank tỉnh giao ở mức cao nhất. Năm qua, Agribank Hoàng Su Phì đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương; các ngành, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân; thực hiện tốt việc cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng tiện ích cho lĩnh vực...

27/03/2020
Tích cực tuyên truyền hưởng ứng Giờ Trái đất

BHG - Tiết kiệm năng lượng, chung tay bảo vệ động vật hoang dã; hãy dừng săn bắt động vật hoang dã; vì một trái đất xanh cho ngày mai; tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biết đổi khí hậu; sử dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, góp phần giảm hiệu ứng  nhà kính,… là những khẩu hiệu do Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công thương (KC-XTCT) - Sở Công thương triển khai tuyên truyền tới người dân để cùng hưởng ứng Chiến dịch GTĐ 2020.

 

27/03/2020
Ngành chăn nuôi dần phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi

BHG - Sau khi tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cũng bắt đầu tái đàn trở lại để khôi phục kinh tế; góp phần cân đối nguồn thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường sau "cơn bão" dịch. Dù vậy, việc tái đàn cần được kiểm soát chặt chẽ, thận trọng và phải đi liền với công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) để không tái dịch.

26/03/2020
Hoàng Su Phì tập trung thực hiện các mô hình kinh tế

BHG - Thu nhập được đánh giá là tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), cũng là một trong những tiêu chí khó thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương thuần nông, vùng sâu, vùng xa. Để đạt tiêu chí này, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế điển hình để nhân dân học tập, làm theo; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

26/03/2020