Hoàng Su Phì phát triển hạ tầng thương mại nông thôn
BHG - Những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng thương mại nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa, từ đó thúc đẩy KT – XH phát triển, nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng Nông thôn mới.
Chợ trung tâm thị trấn Vinh Quang hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ giữa năm 2019, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa trên địa bàn. |
Đến nay, toàn huyện có 25 chợ của 22/24 xã, thị trấn; trong đó có 3 chợ kiên cố, 16 chợ bán kiên cố, 6 chợ tạm. Năm 2019, huyện đã bố trí khoảng 500 triệu đồng đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp một số chợ như: Chợ trung tâm xã Bản Máy, Pố Lồ, Bản Nhùng, Thàng Tín, Nam Sơn, Pờ Ly Ngài. Các chợ đều có điểm kinh doanh ổn định; công tác phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo; ý thức chấp hành pháp luật trong kinh doanh, mua bán của tiểu thương ở các chợ ngày càng được nâng cao; hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Tuy nhiên, với đặc thù của huyện miền núi, chợ phiên tại các xã chủ yếu phục vụ cho nhân dân địa phương nên quy mô họp chợ nhỏ, trung bình mỗi tuần chỉ họp một phiên nên một số chợ chưa phát huy hết hiệu quả trong kinh doanh, khai thác chợ. Nhiều chợ xuống cấp chưa được sửa chữa; công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải chưa đảm bảo; vẫn còn chợ tạm, chợ tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan…
Để khắc phục những hạn chế trên, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung chuyển đổi mô hình chợ nhằm huy động tốt các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, góp phần tăng thu ngân sách, phát triển thị trường hàng hóa, thúc đẩy KT – XH. Tháng 7.2019, chợ trung tâm thị trấn Vinh Quang đã hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo Quyết định số 2589 của UBND tỉnh. Với hình thức xã hội hóa, chợ hướng đến tiêu chuẩn an toàn, văn minh thương mại với đầy đủ các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các khu vực kinh doanh được bố trí, sắp xếp hợp lý, phù hợp với nhu cầu kinh doanh của tiểu thương, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phục vụ đời sống của người dân. Với các khu buôn bán sầm uất, đông người mua, bán, chợ trung tâm thị trấn Vinh Quang đã trở thành mô hình điểm cho chuyển đổi thành công từ chợ dân sinh sang chợ thương mại, góp phần phát triển thị trường hàng hóa, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện dự kiến chuyển đổi thêm 3 chợ, gồm chợ trung tâm các xã: Thông Nguyên, Nậm Dịch và Bản Máy. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành và UBND các xã có chợ chuyển đổi tăng cường công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện. Thẩm định phương án chuyển đổi mô hình chợ, đồng thời xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, cũng như hướng dẫn các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực chợ. Thẩm định thực trạng sử dụng đất, hướng dẫn các xã hoàn chỉnh hồ sơ đất của chợ để làm cơ sở lập phương án chuyển đổi…
Đồng chí Vương Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Xác định tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7) trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 là tiêu chí quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Bên cạnh việc chú trọng công tác thiết kế chợ cho phù hợp quy định và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn, bố trí quầy hàng trong chợ, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; huyện đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn nhằm phát huy tối đa hiệu quả, công năng của các chợ, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc