Hoàng Su Phì đẩy mạnh tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi
BHG - Sau khi tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi, việc tái đàn được các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu thịt lợn của người dân.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì kiểm tra việc tái đàn lợn của gia đình anh Lèng Văn Đương, thôn Cốc Mai Thượng, xã Pố Lồ. |
Thực hiện Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và Đề án nửa triệu con đại gia súc; phấn đấu, tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2020 đạt 30%; huyện Hoàng Su Phì đã, đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển chăn nuôi có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình, dự án nhằm tăng nhanh tổng đàn gia súc, gia cầm. Từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang hướng gia trại, trang trại tập trung. Đồng thời, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm, như bệnh: Lở mồm, long móng, cúm gia cầm; đặc biệt là phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Năm 2020, huyện sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư vào chăn nuôi. Tập trung phát triển các giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao theo hướng gia trại, trang trại; hoặc liên kết các hộ thành nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi, nâng cao thu nhập; đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân trên địa bàn và hướng xuất bán ra ngoài huyện; ứng dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT, phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và dần hình thành các vùng chăn nuôi an toàn không dịch bệnh…”.
Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Để triển khai công tác tái đàn lợn, huyện đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch. Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tái đàn lợn và đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi. Cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát, kiểm tra các hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn; hướng dẫn người chăn nuôi tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, lợn giống nhập về được lựa chọn kỹ, rõ nguồn gốc, bảo đảm sạch bệnh. Với đàn lợn nái, lợn đực giống không bị dịch bệnh sẽ được giữ lại và khuyến khích các hộ chăn nuôi sản xuất tạo nguồn con giống cho phát triển đàn tại chỗ, cung cấp cho các hộ trong huyện có nhu cầu…”.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lợn sinh sản của gia đình anh Lèng Văn Đương tại thôn Cốc Mai Thượng, xã Pố Lồ; hiện, gia đình anh Đương đang duy trì nuôi 4 con lợn nái sinh sản và thường xuyên có trên 10 con lợn thịt. Anh Đương tâm sự: “Huyện đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi và hiện nay, nhu cầu về thịt lợn tăng cao, nên gia đình tôi rất muốn tái đàn, nhất là duy trì đàn lợn nái sinh sản. Nếu được sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước chắc chắn gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô và nuôi ít nhất từ 5 – 10 con lợn nái sinh sản…”.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô gia trại, trang trại gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện phấn đấu trong năm nay sẽ có 51 gia trại, 2 trang trại; tăng 15 gia trại so với năm 2019. Phó Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Su Phì, Triệu Sơn An cho biết thêm: “Huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển chăn nuôi; ưu tiên phát triển chăn nuôi hàng hóa theo quy mô gia trại, trang trại. Tạo mọi điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn và kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ; làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh. UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn các chủ gia trại cách phòng, trị dịch bệnh cho vật nuôi; chỉ đạo, tổ chức, giám sát chặt chẽ các gia trại chăn nuôi và thực hiện triệt để tiêm vắc-xin phòng dịch cho vật nuôi và vệ sinh thú y, phun khử trùng tiêu độc, làm sạch môi trường chăn nuôi. Kiểm dịch chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển động vật và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm…”.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc