Dấu ấn trên những vùng quê nghèo
BHG - Tính đến hết năm 2019, hơn 4.600 hộ dân tại 30 xã của 5 huyện vùng triển khai Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh đã thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo 30 xã giảm được 23,78% so với năm 2015… Đây thực sự là kỳ tích Chương trình CPRP tạo nên trên những vùng quê nghèo.
Thiếu nữ dân tộc Dao với sản phẩm OCOP của HTX chế biến chè Phìn Hồ (HSP) |
Sau 4 năm thực hiện, với nguồn vốn đầu tư lên đến nghìn tỷ đồng nhằm triển khai các hoạt động trên địa bàn 30 xã của 5 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Chương trình CPRP thực sự tạo dấu ấn đối với sự phát triển KT-XH. Những hợp phần hoạt động của chương trình đã tác động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội không chỉ ở những địa phương được hưởng lợi mà còn mở rộng trên địa bàn tỉnh. Một trong những hoạt động mở rộng thực hiện năm qua, đó là chương trình hỗ trợ tỉnh lập hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò Vàng. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo hộ quyền lợi người chăn nuôi và người tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm tham gia thị trường trong nước và thế giới. Phạm vi bảo hộ tại 44 xã thuộc 6 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Năm qua, hoạt động tài trợ cho các nhóm cùng sở thích (CIG) cũng được đánh giá cao. Từ sự hỗ trợ thiết thực, năm 2019 các địa phương đã thành lập mới được 131 nhóm CIG với 1.445 thành viên; phê duyệt và ký hợp đồng tài trợ 131 nhóm; giải ngân trên 14,7 tỷ đồng cho 127 nhóm lần 1 và 156 nhóm lần 2. Lũy kế từ đầu chương trình có 675 nhóm CIG được thành lập, trong đó, 474 nhóm được phê duyệt và ký hợp đồng. Tổng số kinh phí các phương án/kế hoạch kinh doanh 217,899 tỷ đồng; trong đó, Chương trình CPRP tài trợ 48,249 tỷ đồng. Các nhóm CIG được tài trợ đã thực hiện đúng cam kết, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, có thị trường ổn định. Cụ thể, có 67 nhóm CIG ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, chế biến; 277 nhóm bán sản phẩm cho các hộ thu mua và 141 nhóm CIG có thị trường bán lẻ; 2 nhóm CIG phát triển lên HTX; 51 nhóm có sản phẩm sơ chế, chế biến; trong đó, 21 nhóm có sản phẩm qua chế biến, có bao bì, nhãn mác và mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc; nhiều nhóm có doanh thu bán sản phẩm bằng 1 - 3 lần tổng vốn đầu tư.
Đơn cử như, tại xã Đức Xuân (Bắc Quang) 4 năm qua, Chương trình CPRP đã hỗ trợ thành lập 25 nhóm CIG phát triển kinh tế; trong đó, 15 nhóm nhận tài trợ trên 1,5 tỷ đồng. Anh Phùng Sùn Sang, Trưởng nhóm CIG trồng và chăm sóc chè VietGAP thôn Xuân Đường cho biết: Gia đình được Chương trình CPRP hỗ trợ 481 triệu đồng nâng cấp xưởng, mua máy móc, thiết bị sản xuất chè theo công nghệ hiện đại; mỗi năm, thu mua 60 tấn chè búp tươi của các thành viên trong nhóm và người dân thôn Xuân Đường.
Từ khi triển khai đến nay, mỗi năm, nguồn vốn Chương trình CPRP đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện các hợp phần như: Xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường; đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo; điều phối chương trình… Riêng năm 2019, nguồn vốn thực hiện Chương trình CPRP tỉnh trên 217,996 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA vay IFAD trên 126,894 tỷ đồng; vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam trên 60,838 tỷ đồng và các nguồn vốn lồng ghép đầu tư các công trình xây dựng 38,649 tỷ đồng; người hưởng lợi đóng góp trên 30,263 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, đến nay có hơn 4.600 hộ dân vùng hưởng lợi thoát nghèo, đạt 92% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo 30 xã giảm 23,78% so với năm 2015. Điều này cho thấy hiệu quả thiết thực của chương trình đầu tư như các công trình cơ sở hạ tầng, nhóm CIG, nhóm tiết kiệm tín dụng, đầu tư phát triển chuỗi giá trị, hợp tác công tư... góp phần cải thiện đời sống cho các hộ dân.
Từ nguồn vốn đó, năm qua, tại các xã vùng triển khai chương trình đã hoàn thành xây dựng 193 công trình đường giao thông, cầu... tạo động lực cho nông dân gia tăng đầu tư, tăng thu nhập từ sản xuất hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển và tiếp cận thị trường; giúp hơn 10.228 hộ, trong đó 69% hộ nghèo và cận nghèo, 91% hộ dân tộc thiểu số hưởng lợi từ các công trình. Bên cạnh đó, chương trình đã phê duyệt và ký hợp đồng 8 tiểu dự án Hợp tác công tư (P-PC); lũy kế từ đầu chương trình đã ký hợp đồng tài trợ cho 31 tiểu dự án P-PC với tổng mức đầu tư 104,718 tỷ đồng; trong đó, Chương trình CPRP tài trợ gần 36 tỷ đồng. Các tiểu dự án P-PC được phê duyệt và triển khai đã góp phần đáng kể vào phát triển sản xuất hàng hóa chuỗi giá trị, tăng công suất chế biến từ 1,5 - 2 lần. Trong 31 tiểu dự án P-PC, có 13 sản phẩm của 9 đơn vị/tiểu dự án được lựa chọn phát triển thành sản phẩm OCOP, 2 sản phẩm được phân hạng 5 sao.
Tiếp nối thành công trên, năm 2020, Chương trình CPRP đặt mục tiêu: Có từ 2.500 lượt người trở lên được tập huấn nâng cao năng lực; đồng tài trợ cạnh tranh cho 20 nhóm CIG, duy trì và phát triển 458 nhóm CIG; có thêm ít nhất 300 thành viên được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển…
Bài, ảnh: TIẾN CHIẾN
Ý kiến bạn đọc