Xã Thanh Vân đẩy mạnh trồng cỏ chăn nuôi gia súc
BHG - Cùng với phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, xã Thanh Vân (Quản Bạ) là địa phương đứng đầu huyện trong việc đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Nhờ đó, tỷ trọng trong chăn nuôi của xã không ngừng được nâng lên, nhiều hộ dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Mô hình nuôi bò hàng hóa của gia đình anh Mai Xuân Minh, thôn Mỏ Sài. |
Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, Giàng Mí Mua cho biết: Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bên cạnh thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc được xem là mô hình mang lại hiệu quả giúp người dân nâng cao thu nhập. Để giúp bà con tiếp cận với hướng chăn nuôi mới, ngoài tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ của các cấp… Hiện, trên địa bàn xã có 977/1.151 hộ chăn nuôi trâu, bò từ 3 con trở lên, với tổng số đàn trâu, bò toàn xã đạt trên 2.640 con; trong đó, có 2.313 con bò và 327 con trâu. Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, những năm qua, xã đã đẩy mạnh công tác vận động người dân tận dụng đất đồi và chuyển dần diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Đến nay, toàn xã có hơn 480 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, trong đó, chủ yếu là các giống cỏ voi, VA06… Đây là giống cỏ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh việc phát triển trồng cỏ, chính quyền xã thường xuyên chủ động liên kết với ngành chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa Đông.
Người dân thu hoạch cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. |
Nhiều năm nay, các hộ dân ở xã Thanh Vân đã coi việc mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa là một trong những cách để làm giàu. Điển hình như gia đình anh Mai Xuân Minh, Mai Xuân Giàng, Giàng Mí Mua, Ma Xuân Hùng,... mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nuôi bò hàng hóa. Anh Mai Xuân Giàng, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ nuôi 2 đến 3 con bò để kéo cày. Tuy nhiên, kinh tế không ổn định, đất nông nghiệp lại ít nên gia đình đã chuyển đổi hơn 2 ha đất trồng ngô kém năng suất để trồng cỏ và vay các nguồn vốn ưu đãi mua thêm bò về nuôi theo hướng hàng hóa. Đến nay, trong chuồng của gia đình thường duy trì 9 đến 12 con bò. Ngoài cho ăn cỏ xanh, gia đình còn được cán bộ huyện và xã hướng dẫn ủ chua thức ăn cho đàn bò. Nhờ đó, những năm gần đây, gia đình không còn vất vả như trước, chỉ 2 người lấy cỏ và vệ sinh chuồng trại, công việc ổn định, không quá nặng nhọc, đàn bò luôn đảm bảo sức khỏe, ít dịch bệnh mà cho thu nhập cao. Trung bình mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình anh Giàng thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong xã dù không chăn nuôi trâu, bò để bán, nhưng họ biết tận dụng diện tích đất trống, đất xấu, ven đường để trồng cỏ bán cho các hộ nuôi gia súc, vừa phủ xanh đất trống vừa mang lại thu nhập đáng kể.
Với chủ trương đúng đắn, nỗ lực quyết tâm triển khai thực hiện và sự hưởng ứng của nhân dân, chương trình phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ có những chuyển biến tích cực, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc