Trăn trở... cam Sành - Kỳ 3: Cần xóa bỏ tư duy sản xuất tiểu nông
BHG - Cam Sành Hà Giang là sản phẩm hàng hoá mang tính đặc sắc của vùng, miền riêng có trên vùng đất cực Bắc Tổ quốc; được cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, cam Sành đã trải qua nhiều thăng trầm, rất cần chiến lược bài bản để phát triển bền vững, thực sự trở thành cây làm giàu của người nông dân.
Công tác thu hái, bảo quản, vận chuyển cam Sành chưa được chú trọng, dẫn tới chất lượng sản phẩm suy giảm, dễ thối, mốc quả. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Nhìn lại lịch sử phát triển cam Sành cho thấy, thời điểm sản phẩm tiêu thụ tốt nhất, đắt đỏ nhất vào dịp Tết Nguyên đán năm 2000. Đến năm 2005, giá bán cam Sành giảm đến mức tệ hại; vì thua lỗ nên nhiều nhà nông đã bỏ vườn cam. Đến năm 2010, giá bán cam Sành lại nhảy vọt. Như một quy luật, từ năm 2015 đến nay, giá bán bắt đầu sụt giảm. Theo người dân vùng trồng cam, lần giảm giá, khó bán nhất là niên vụ 2018 – 2019.
Nhiều triệu phú, tỷ phú cam Sành của huyện Bắc Quang đều nhận định: Cam trồng ít thì dễ bán và được giá. Ngược lại, giai đoạn hiện tại, diện tích trồng cam của huyện đã quá cao; sản lượng cam Sành ước đạt trên 38.000 tấn. Đó là chưa kể sản lượng thu hoạch cam của các huyện Quang Bình, Vị Xuyên đạt vài chục nghìn tấn/huyện/năm. Kết quả, cam bán chậm và giá giảm xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Hồng Tuyên, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 4,6 nghìn ha cam Sành trên tổng số 6.100 ha cam, quýt. Thực tế này đã phá vỡ định hướng được xác định trước đó, là hình thành vùng trọng điểm trồng cam hàng hoá tập trung tại 9 xã có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nhất. Nhưng nay, cây cam Sành được người dân trồng ở 22/23 xã, thị trấn (1 xã còn lại có khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với cây cam). Việc nông dân tự phát, chuyển đổi diện tích ồ ạt sang trồng cam đã phá vỡ định hướng vùng trồng cam của huyện. Đây là một trong những thành tố dẫn đến tình trạng “được mùa – mất giá”; giá bán cam Sành năm nay sụt giảm, chỉ dao động từ 7 – 10 nghìn đồng/kg cắt tại vườn, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Đến thời điểm này, Bắc Quang vẫn còn khoảng 60% sản lượng cam Sành chưa tiêu thụ. Riêng niên vụ trước, mặc dù sắp kết thúc thời vụ nhưng cuối tháng 3.2019, sản lượng cam chưa tiêu thụ của toàn huyện còn tương đối lớn, lên đến gần 5.000 tấn, tập trung tại các xã trọng điểm về cam, như: Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc, Tiên Kiều…
Mặc dù cam Sành có giá trị kinh tế cao, nguồn tiêu thụ lớn, song hiện nay vườn cam Sành vẫn chưa được thâm canh đồng đều, bài bản, tuân thủ đúng quy trình; có vườn mới thâm canh đạt 30 – 50% so với quy trình. Do vậy, chưa phát huy được hết tiềm năng, năng suất cũng như giá trị hàng hóa của cam. Hơn nữa, việc khảo nghiệm các giống mới có năng suất cao, phù hợp với điều kiện địa phương chưa được thực hiện bài bản. Chính điều này dẫn đến sự đơn điệu về chủng loại, gây áp lực thu hoạch. Mặt khác, việc thay thế các vườn cam Sành già cỗi rất khó khăn, do thiếu nước tưới, khó cải tạo dinh dưỡng đất, xử lý bệnh tồn dư trong đất và tâm lý người dân chưa yên tâm đầu tư vì trồng lại rất khó…
Đặc biệt, cam Sành Hà Giang chủ yếu tiêu thụ quả tươi; đặc điểm quả có túi tinh dầu to, nổi nhưng hình thức thu hái, vận chuyển chủ yếu theo phương pháp thủ công; chưa có các thiết bị thu hái, vận chuyển chuyên dụng nên dễ gây tổn thương bề mặt quả, khiến sản phẩm nhanh thối, mốc, gây tổn thất sau thu hoạch. Trong khi nhiều vùng cam của các địa phương khác đã đầu tư nhà sơ chế, kho lạnh để bảo quản thì người dân trồng cam trên địa bàn tỉnh bảo quản chủ yếu bằng kinh nghiệm chọn và phân loại, loại bỏ những quả bị bệnh, xây xát, quả không đạt tiêu chuẩn tiêu thụ, đóng gói và cất giữ vào nơi thoáng mát chờ tiêu thụ…
Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, huyện Bắc Quang đã tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; quảng bá hình ảnh sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa sản phẩm cam Sành tham gia hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước; hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm dọc tuyến Quốc lộ 2. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Hội trồng cam Bắc Quang, Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc tìm kiếm các địa điểm tiêu thụ tại chợ đầu mối hoa quả, hội chợ xúc tiến thương mại; trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cam Sành tại một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Quảng Ninh... Mặc dù Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương (Sở Công thương) đã liên hệ với các siêu thị lớn trong cả nước; tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu nhưng do các đơn hàng số lượng ít, nhỏ lẻ nên các đơn vị đầu mối của huyện Bắc Quang không bố trí được phương tiện vận chuyển; chưa thỏa thuận được về giá hợp lý dẫn đến tình trạng cam bán chậm. Hơn nữa, cũng phải nói đến việc nhiều nhà vườn giữ cam, chờ tăng giá dẫn đến tình trạng hết mùa thu hoạch nhưng quả vẫn còn trên cây.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Vinh: Tỉnh đã có chỉ đạo việc đảm bảo quả cam khi đưa vào các siêu thị đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng người dân chưa thực sự có ý thức. Có thời điểm hệ thống siêu thị VinMart nhận tiêu thụ 40 tấn cam/ngày nhưng chỉ được mấy ngày đầu. Sau đó, người dân đưa quả xấu, chất lượng thấp vào hệ thống siêu thị khiến việc tiêu thụ cam Sành gặp khó khăn. Để cam Sành Hà Giang đứng vững trên thị trường, giữ được thương hiệu, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, người nông dân trồng cam cũng cần xóa bỏ tư duy sản xuất tiểu nông, có ý thức tôn trọng và thực hiện nghiêm các hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết.
NHÓM PV
Kỳ cuối: Thực hiện nghiêm định hướng phát triển
[links()]
Ý kiến bạn đọc