Tín dụng chính sách giúp người dân Quản Bạ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống
BHG - Giảm nghèo là mục tiêu quan trọng luôn được các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Những năm qua, đã có nhiều chương trình, chính sách được triển khai, thực hiện hiệu quả; mang đến cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, chương trình tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) nói chung và Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ nói riêng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực và được xem như cứu cánh của các hộ nghèo; đồng thời góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội…
Giao dịch đầu Xuân của Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ tại xã biên giới Nghĩa Thuận. |
Tín dụng CSXH đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn. Từ đó, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều có hội tạo việc làm mới, ngành, nghề mới để tăng thu nhập, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Nông Quang Dũng, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ, cho biết: Tính đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn hoạt động của PGD Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ là 228.166 triệu đồng (tăng 3.977 triệu đồng so với đầu năm 2018); trong đó, nguồn vốn cân đối từ T.Ư và ngân sách UBND tỉnh là trên 211 tỷ đồng. Huy động tiết kiệm tổ được trên 3,5 tỷ đồng, tăng 550 triệu đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ thực hiện đến 31.12.2019 đạt hơn 228 tỷ đồng/6.037 khách hàng (đạt 99,5% kế hoạch và tăng 10.516 triệu đồng so với 31.12.18, tỷ lệ tăng 4,9%/ tổng dư nợ). Doanh số cho vay năm 2019 đạt 73.177 triệu đồng/1.545 lượt khách hàng; doanh số thu nợ 68.961 triệu đồng… Với 169 tổ TK&VV, trong đó có 164 tổ xếp loại tốt, khá và 5 tổ trung bình. Ban quản lý các tổ TK&VV đã làm tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét, kiểm tra, đôn đốc hộ vay trả lãi, gốc đúng kỳ hạn điển hình như các xã: Lùng Tám, Đông Hà, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn, Nghĩa Thuận...
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực vào ổn định cuộc sống trong các cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các tổ TK&VV, sự tương trợ giúp đỡ nhau giữa các tổ viên… Với những kết quả trên, tín dụng CSXH đã góp phần tích cực và là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới. Cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của huyện giảm còn 33,52%, giảm 642 hộ so với năm 2018 và hỗ trợ hơn 200 mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Anh Sùng Mí Giàng, xã Lùng Tám chia sẻ: Nhờ sớm được tiếp cận nguồn vốn ưu đã từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, nay gia đình có điều kiện nuôi 5 con bò hàng hóa và hơn 300 con chim bồ câu. Nhờ đó, không chỉ giúp tăng thu nhập cho gia đình mà đã được xóa hộ nghèo. Tết vừa qua, gia đình có đầy đủ áo mới, xe cộ để vui Xuân; đó là niềm vui lớn nhất của gia đình.
Vào dịp đầu Xuân Canh Tý, chúng tôi được trải nghiệm và vui Xuân cùng đồng bào các dân tộc xã biên giới, các xã vùng khó khăn của huyện Quản Bạ; chúng tôi đã ghi nhận được sự đổi thay, phát triển rõ rệt của đồng bào nơi đây. Mùa Xuân luôn mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người, đặc biệt Xuân năm nay như rộn rã hơn khi hàng trăm hộ nghèo đang rất vui và hạnh phúc khi cuộc sống đã và đang được đổi thay nhờ vào các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế; tất cả như hòa quyện cùng với đất trời vào Xuân, mọi người cùng vui chơi, nhảy múa, thăm hỏi nhau và cùng hứa hẹn tiếp tục đoàn kết cùng phát triển, vươn lên hơn nữa trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc