Cơ giới hóa nông nghiệp ở Bắc Quang

16:18, 25/02/2020

BHG - Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật; việc ứng dụng cơ giới hóa đã trở thành cú hích thúc đẩy ngành Nông nghiệp của huyện Bắc Quang thêm khởi sắc. Bởi hiệu quả từ cơ giới hóa đem lại không những giúp giải phóng sức lao động cho con người mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Người dân xã Vĩnh Phúc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất.
Người dân xã Vĩnh Phúc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất.

Thực tiễn cho thấy, cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật đã đem đến những điều kỳ diệu, những tiến bộ phi thường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người. Trong đó, cơ giới hóa là một trong những nhân tố tạo nên sự kỳ diệu ấy, đặc biệt là đối với ngành Nông nghiệp. Nhiều năm nay, âm thanh náo nhiệt từ những máy nông nghiệp đã phá vỡ sự yên tĩnh của phương thức sản xuất trước đây mà người dân huyện Bắc Quang áp dụng. Hình ảnh thơ mộng quen thuộc “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” đang dần chìm vào ký ức của nhiều người. Thay vào đó là hình ảnh những con “trâu sắt” hay máy cấy… làm quanh năm không biết mệt mỏi. Hoặc hình ảnh người nông dân tay dao, tay cuốc lam lũ “một nắng hai sương” cũng dần được thay thế bởi người lao động với nụ cười vui vẻ điều khiển những cỗ máy làm đất, máy cắt cỏ…

Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ để đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất và giảm tổn thất trong nông nghiệp; từ năm 2016, UBND huyện Bắc Quang đã triển khai cho UBND các xã, thị trấn đăng ký vay vốn theo chính sách của Nhà nước. Từ đây, nhiều hộ dân đã mua sắm được các loại máy  như: Máy cày, máy làm đất đa năng, máy bơm, máy xay sát… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi việc đưa cơ giới đồng bộ vào các khâu trong quá trình sản xuất, tạo bước đột phá về khoa học công nghệ, giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy mạnh nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai các dự án, mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học. Đến nay, trên địa bàn huyện, tỷ lệ cơ giới hóa vào sản xuất trong các khâu đạt trên 53%. Trong đó, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt trên 85% với hơn 2.000 máy; khâu gieo hạt đạt 0,5% với 13 máy; khâu thu hoạch đạt trên 75% với hơn 1.000 máy; khâu chăm sóc đạt trên 65% với hơn 3.600 máy.

Việc áp dụng cơ giới hóa đã đem đến những hiệu quả tích cực, giúp tăng năng suất, giá trị sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Bắc Quang. Nhìn lại kết quả năm 2019 cho thấy, về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn huyện đạt trên 13.000 ha, vượt 0,9% kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt trên 55,5 nghìn tấn, đạt 101% kế hoạch. Trong đó, cây lúa gieo trồng được hơn 7,6 nghìn ha, năng suất đạt 58,5 tạ/ha, sản lượng hơn 44.000 tấn; cây ngô gieo trồng trên diện tích gần 3.000 ha, năng suất đạt 37 tạ/ha, sản lượng trên 11.000 tấn. Ngoài ra, tổng diện tích cam, quýt toàn huyện có trên 6,1 nghìn ha, đang cho thu hoạch trên 5.000 ha; tổng diện tích chè gần 6.000 ha, trong đó trồng mới được 21 ha (vượt 40% kế hoạch). Tổng diện tích rau an toàn đạt trên 47 ha (vượt hơn 19% kế hoạch); sản xuất rau công nghệ cao có 4,3 ha (vượt 22,8% kế hoạch)… Thu nhập bình quân của huyện đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.

Chia sẻ về hiệu quả từ việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc – Trần Trung Thuyết cho biết: Hiện nay, HTX có khoảng 320 ha cam, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã giúp HTX giảm áp lực nhân lực lao động, tăng năng suất, giảm chi phí. Đơn cử như khâu chăm sóc cam, thay vì người lao động trực tiếp dùng dao phát cỏ thủ công hoặc phun thuốc trừ cỏ như trước đây thì nay, HTX đã sử dụng máy phát cỏ; việc này không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Chị Nguyễn Thị Hằng, Trưởng thôn Khiềm, xã Quang Minh nhận định: Những năm gần đây, năng suất nông sản của bà con trong thôn không ngừng tăng, bởi có sự tác động không nhỏ từ việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Đến nay, thôn Khiềm được xem là một trong những thôn của xã Quang Minh có ngành Nông nghệp phát triển nhất…

Nhìn lại bức tranh nông nghiệp của huyện Bắc Quang có thể thấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã điểm tô cho bức tranh này nhiều gam màu tươi sáng. Song, muốn bức tranh này thêm sinh động, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tác dụng của cơ giới hóa thì Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư vào cơ giới hóa phục vụ phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Thanh Vân đẩy mạnh trồng cỏ chăn nuôi gia súc

BHG - Cùng với phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, xã Thanh Vân (Quản Bạ) là địa phương đứng đầu huyện trong việc đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Nhờ đó, tỷ trọng trong chăn nuôi của xã không ngừng được nâng lên, nhiều hộ dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 

25/02/2020
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Nà Khương

BHG - Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; thời gian qua, Ðảng bộ, chính quyền xã Nà Khương (Quang Bình) đã tập trung các nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân.

 

25/02/2020
Hiệu quả đầu tư có thu hồi ở Hữu Vinh

BHG - Khu nhà màng rộng hơn 500 m2 của gia đình anh Lục Xuân Giang, thôn Tân Tiến, xã Hữu Vinh được huyện Yên Minh hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình 135 từ cuối năm 2019, với mức hỗ trợ 150 triệu đồng, trong thời hạn 3 năm, sau đó sẽ thu hồi 30% kinh phí hỗ trợ. Khu nhà màng hiện trồng 700 cây cà chua và bắt đầu cho thu hoạch; năng suất ước đạt 2,5 tấn, với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, thu nhập có khả năng đạt trên 60 triệu đồng.

 

24/02/2020
Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

BHG - Trước tình trạng dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Gia đình chị Lê Thị Suốt, đội 1, thôn Thủy Lâm, xã Trung Thành (Vị Xuyên) nuôi gần 1.000 con gà; những ngày này, chị thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến của dịch bệnh. Để bảo vệ an toàn cho đàn gà, ngoài việc tiêm phòng vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã; chị thường xuyên rắc vôi bột...

21/02/2020