Chung tay "giải cứu" cam Sành
BHG - Theo tổng hợp của ngành chuyên môn, đến thời điểm này, sản lượng cam Sành tiêu thụ tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên mới đạt trên 50% (tương đương khoảng 31,2 nghìn tấn). Thế nhưng, do thời tiết diễn biến phức tạp, lại trùng thời điểm xuân hóa của cây cam Sành nên dẫn đến hiện tượng rụng quả.
Người dân mua cam tại gian hàng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam Sành khu vực Thế giới Sách (thành phố Hà Giang). Ảnh: Văn Long |
Tại huyện Bắc Quang, Quang Bình, tổng diện tích cam bị thiệt hại lên đến 2.081 ha với hơn 14,3 nghìn tấn quả bị rụng. Trong đó, cam rụng của huyện Bắc Quang lên đến 13,1 nghìn tấn/1.961 ha; khiến các hộ trồng cam Sành thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trước thực tế trên, các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh và ngành chuyên môn đã tăng cường xuống cơ sở tìm hiểu nguyên nhân và trực tiếp chỉ đạo các giải pháp khắc phục. Cán bộ ngành Nông nghiệp tích cực hướng dẫn các chủ vườn thu gom, dọn sạch số cam rụng ra khỏi vườn; tiến hành đào hố chôn, xử lý bằng vôi và chế phẩm sinh học để tránh ảnh hưởng đến môi trường, năng suất, sản lượng vụ kế tiếp; hướng dẫn chủ vườn thu hoạch cam Sành theo hình thức tỉa quả để tránh gây áp lực về dinh dưỡng khi cây vào chu kì ra hoa, đậu quả. Mặt khác, để giữ uy tín, chất lượng cam Sành, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân tạm dừng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong điều kiện thời tiết có mưa. Đặc biệt, quá trình cung ứng phải loại bỏ những quả kém chất lượng, có khả năng thối, hỏng sau khi vận chuyển. Anh Nguyễn Đức Nghĩa (xã Hương Sơn – Quang Bình) chia sẻ: Dự kiến, niên vụ cam năm nay, gia đình thu 140 tấn quả. Nhưng giờ, cam rụng đến 70 tấn!
Khi ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân quy trình, kỹ thuật sản xuất cam thì ngành Công thương chủ động xúc tiến tiêu thụ cam Sành tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối và thị trường tiềm năng trong cả nước. Mới đây, Sở Công thương đã kết nối, thống nhất với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu đồng hành "giải cứu" cam Sành cho người dân 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình. Ông Nguyễn Đỗ Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Cam Sành Hà Giang có chất lượng rất tốt. Chúng tôi đã sử dụng nguyên liệu đặc sản này để chế biến nước ép cam, hoàn toàn tự nhiên, an toàn và bổ dưỡng; được thị trường 38 tỉnh, thành trên cả nước đón nhận... Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Công ty đã thu mua sản phẩm cam Sành của một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Quang Bình và Bắc Quang để sản xuất 25 nghìn lít nước ép cam/ngày. Đồng hành cùng người trồng cam, Công ty cam kết thu mua từ 120 – 150 tấn cam Sành với giá dao động từ 8 – 10 nghìn đồng/kg.
Đồng chí Trần Việt Thế, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sản lượng cam Sành chưa thu hoạch tại 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình tương đối lớn. Do vậy, ngoài công tác xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã hỗ trợ các hợp tác xã bán sản phẩm tại khu vực Quảng trường 26.3 và Thế giới Sách (thành phố Hà Giang). Riêng tại khu vực gần sân xi măng (phường Nguyễn Trãi), Tỉnh đoàn tổ chức gian hàng hỗ trợ thanh niên tiêu thụ sản phẩm cam Sành. Anh Đinh Minh Quang (Trưởng ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh đoàn) cho biết: Tỉnh đoàn đã hỗ trợ nhiều thanh niên của xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, gia đình anh Sằm Văn Đội được các tình nguyện viên giúp tiêu thụ trên 2,3 tấn cam (đạt 100% sản lượng quả còn lại sau thiên tai) hay anh Sằm Văn Đông đã, đang được hỗ trợ tiêu thụ toàn bộ sản lượng cam...
Thiên tai gây thiệt hại đến sản xuất là điều bất khả kháng. Nhưng trong hoạn nạn, sự đồng hành cùng nông dân trồng cam vượt khó của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân thật đáng quý.
T. PHƯƠNG - V. LONG
Ý kiến bạn đọc