Vị Xuyên chú trọng giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên
BHG - Công tác đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm (GQVL) cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) luôn được Huyện đoàn Vị Xuyên xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Qua đó, giúp thanh niên có việc làm ổn định, phù hợp với khả năng của mình.
Mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng thị trấn Việt Lâm mang lại nguồn thu nhập ổn định. |
Hiện, huyện Vị Xuyên có trên 18.000 thanh niên, trong đó có 6.168 đoàn viên. Nhằm nâng cao chất lượng lao động cũng như giải quyết việc làm cho ĐVTN, các hoạt động tuyên truyền về tư vấn, giới thiệu việc làm được Huyện đoàn Vị Xuyên triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức như: Vận động thanh niên học nghề, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm… Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội chợ giới thiệu, tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho ĐVTN; tổ chức “Hội chợ trưng bày sản phẩm và tư vấn giới thiệu việc làm” tại Đại hội Đại biểu Hội LHTN huyện; tổ chức thăm quan Vườn ươm Khởi nghiệp tỉnh và Công ty Ý Đức sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Hà Giang…
Qua sự hỗ trợ của Huyện đoàn, cộng với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo; nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện đã chọn cho mình hướng đi đúng đắn, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho gia đình. Theo chân cán bộ huyện đoàn, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Nguyễn Tiến Dũng (sinh 1995), thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). Chúng tôi nhận thấy, sự sắp xếp khoa học và chuồng nuôi thỏ được vệ sinh sạch sẽ; khu thỏ nái được nuôi riêng cũng như thỏ thịt để tiện chăm sóc. Anh Dũng chia sẻ: Thỏ là loài ít bệnh tật, dễ chăm sóc, sinh sản và tăng trưởng nhanh; nguồn vốn bỏ ra ít mà giá thành bán ra lại cao. Hiện tại, mô hình nuôi thỏ của Dũng có 70 chuồng, thời điểm nuôi nhiều nhất lên tới 1.000 con. Ngoài nuôi thỏ, anh Dũng còn nuôi lươn, giun quế, ốc nhồi,… cho thu nhập mỗi tháng trên 20 triệu đồng.
Đối với học sinh, sinh viên; Huyện đoàn thường tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị cho các em các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong thời gian học tập tại nhà trường; thông qua chuyên đề giáo dục kinh doanh và hướng nghiệp dạy nghề phổ thông. Đồng thời chỉ đạo đoàn các trường học tổ chức Chương trình “Khi tôi 18” kết hợp với hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT, Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Cùng với đó, để giúp đỡ các ĐVTN có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế; Huyện đoàn đã tiếp cận các nguồn vốn theo Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh; vay theo nguồn vốn đầu tư tái thu hồi; chương trình CPRP; Quỹ phát triển HTX…
Tuy nhiên, các ĐVTN chưa chủ động nắm bắt các chủ trương của Đảng và cơ chế chính sách của Nhà nước nên khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn. Còn hạn chế về năng lực tổ chức quản lý, điều hành dẫn đến đa số các mô hình kinh tế vẫn còn ở quy mô nhỏ và chưa thật sự bền vững, chưa tạo được nhiều việc làm... Để khắc phục tình trạng trên, Huyện đoàn Vị Xuyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào khởi nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ngành chuyên môn của huyện hỗ trợ, tư vấn thủ tục để giúp đoàn viên, hội viên, người dân tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Tuấn Thọ, Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên được biết: Để giải quyết việc làm cho ĐVTN, Huyện đoàn tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp, đặc biệt là những ĐVTN có ý tưởng, dự án khởi nghiệp; mở lớp đào tạo nghề nông nghiệp gắn với thực hành, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, đồng thời gắn với hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho ĐVTN.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc