Nông sản địa phương vươn ra "biển lớn"

16:35, 08/01/2020

BHG - Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương đến với người tiêu dùng. Qua đó, từng bước đưa sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Người tiêu dùng Hà Nội mua đặc sản cam Hà Giang tại Big C.                        Ảnh: TƯ LIỆU
Người tiêu dùng Hà Nội mua đặc sản cam Hà Giang tại Big C. Ảnh: Văn Long

Những thương hiệu thế mạnh

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, tỉnh ta hiện có sản lượng chè đứng thứ 3 cả nước và có vùng cam lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh có trên 20.810 ha chè, tổng sản lượng đạt 73.300 tấn, chủ yếu là chè Shan tuyết, chè xanh, chè vàng... Trong đó, chè Shan tuyết được đánh giá là nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất chè chất lượng cao đã được các nhà sản xuất trong nước và thế giới công nhận. Đặc biệt, tại cuộc thi trà quốc tế năm 2019 được tổ chức ở Pháp, sản phẩm Trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh đã đạt được 3 giải thưởng cao nhất. Bên cạnh chè, cam Sành Hà Giang từ lâu vẫn được xem là một trong những loại đặc sản nức tiếng cả nước. Cam Sành của tỉnh đạt top 10 sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon – tinh hoa ẩm thực Việt” do người tiêu dùng bình chọn. Theo số liệu thống kê, sản lượng cam Sành niên vụ năm 2019 – 2020 ước đạt hơn 60 nghìn tấn, trong đó, hơn 35 nghìn tấn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Ngoài ra, mật ong Bạc hà là sản phẩm đặc trưng, được sản xuất và chế biến từ nguyên liệu hoa Bạc hà mọc trên khu vực 4 huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc với tiêu chí, đặc điểm và thành phần cụ thể...

Hiện nay, toàn tỉnh có 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 43 chủ thể đạt từ 50 điểm trở lên, gồm 21 sản phẩm xếp hạng 4 sao; 48 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Đặc biệt, có 2 sản phẩm đạt 90 điểm trở lên được cơ quan chuyên môn đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, phân hạng cấp quốc gia, gồm: Trà xanh, Hồng trà của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì).

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá

Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm nông sản thông qua việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn trên cả nước. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, chiến lược truyền thông tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng từ T.Ư đến địa phương. Đặc biệt, từ ngày 19 đến 29.12, tỉnh đã tổ chức thành công chuỗi các sự kiện trong chương trình “Tuần lễ cam Sành, các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang năm 2019”. Phối hợp với thành phố Hà Nội và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khai trương Điểm giới thiệu các đặc sản - sản phẩm OCOP của tỉnh tại số 68, phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, ký kết hợp đồng với hệ thống siêu thị VinMart và Big C để tiêu thụ đặc sản cam của tỉnh. Ngoài ra, một số huyện đã khai trương gian hàng trưng bày các sản phẩm sạch địa phương tại thành phố Hà Nội... Anh Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) chia sẻ: Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, các sở, ngành tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tham gia trưng bày và kết nối giao thương với các tỉnh, thành trên cả nước. Hiện tại, sản phẩm cam Sành và cam lòng vàng của HTX đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội và khu vực lân cận.

 Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cho biết: Để đảm bảo thực hiện phát triển kinh tế theo một chuỗi giá trị, năm 2019 tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương. Trong đó, tổ chức nhiều sự kiện tại thành phố Hà Nội và các thành phố khác để đưa cam Sành và các sản phẩm OCOP đến với thị trường người tiêu dùng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, gắn kết sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị. Góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, dịch vụ cho tỉnh, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động và cũng là dịp để tỉnh giới thiệu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Hà Giang thời gian tới.

Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2019

BHG - Chiều 31.12, Bộ tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để động viên khóa sổ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2019. Các đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính Phủ; Đinh Tiến Dũng – Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

31/12/2019
Dấu ấn ngành Công thương

BHG - Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020. Được sự ủng hộ của các bộ, ban ngành T.Ư, cùng sự lãnh, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; đã có 39/44 chỉ tiêu phát triển KT – XH đạt và vượt kế hoạch. 

31/12/2019
"Mở cửa" tái cơ cấu kinh tế

BHG - Ngày 7.8.2018, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17 về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2030. Nghị quyết đã chỉ rõ 6 nút thắt, xác định 3 mục tiêu, 9 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Sau hơn một năm triển khai, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tái cơ cấu kinh tế tỉnh đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bằng những đề án, chương trình, kế hoạch để "mở cửa" tái cơ cấu nền kinh tế.

 

31/12/2019
Nhộn nhịp mùa thu hoạch cam Sành

BHG - Hà Giang, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc không chỉ được biết đến bởi những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn có nhiều loại đặc sản nổi tiếng được ghi danh. Những ngày này, khi cánh đào phai khoe sắc nơi Cao nguyên đá, cũng là thời điểm cam Sành chín rực, nhuộm vàng óng trên lưng đồi, bao trùm lên những miền quê trù phú. Khắp các vùng trồng cam, nông dân tất bật, nhộn nhịp vào mùa thu hoạch quả để gửi gắm những trái cam Sành thơm ngon, bổ dưỡng đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước.

 

08/01/2020