Kinh tế biên mậu Gỡ "nút thắt" để "cất cánh"
Xuân 2020 - Phát triển kinh tế biên mậu (KTBM) là 1 trong 5 chương trình trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. “Nút thắt” lớn nhất về hạ tầng giao thông đang dần được tháo gỡ, mở cửa cho KTBM “cất cánh”.
Thủ tục thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy ngày càng được rút ngắn thời gian tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu. |
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền, chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI dự báo khó có thể hoàn thành. Tuy nhiên, so với đầu nhiệm kỳ đã có sự tăng trưởng cao. Quan hệ đối ngoại hữu nghị, láng giềng được duy trì, củng cố và phát triển, tình hình gian lận thương mại, buôn lậu, an ninh trật tự trên tuyến biên giới được kiểm soát, giữ vững. Để khuyến khích phát triển KTBM, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư mở rộng hạ tầng như giao thông, kho bãi, vận tải giao nhận hàng hóa; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 206, 120 về khuyến khích phát triển KTBM; lối mở Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) chính thức được mở thành cửa khẩu song phương. Qua đó, nhiều sản phẩm của tỉnh như: Ván bóc, quặng, chuối, sắn có kim ngạch xuất khẩu lớn, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động XNK đã góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhân dân khu vực cửa khẩu, biên giới...
Tuy nhiên, giao thông phục vụ hoạt động thương mại biên giới vẫn kém lợi thế so với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới phía Bắc nên chưa thu hút được số lượng lớn doanh nghiệp tham gia XNK; mặt bằng khu vực cửa khẩu chưa đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các kho ngoại quan, logictis, cải cách hành chính chưa thực sự đem lại hiệu quả. Mặt khác, phía Trung Quốc đóng cửa các lối mở, chỉ thực hiện XNK chính ngạch, các mặt hàng XNK thường vận chuyển theo đường tiểu ngạch giảm; dịch bệnh trên cây trồng và động vật ở cả 2 nước diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt hàng nông sản XNK… Vì vậy, tổng kim ngạch XNK năm 2018 (379 triệu USD), 2019 (khoảng 350 triệu USD) giảm đáng kể so với năm 2016 (1.380 triệu USD), 2017 (3.890 triệu USD).
Ngày 10.10.2019, đề xuất của tỉnh về đầu tư đường cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, có chiều dài gần 150 km từ Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tới điểm giao IC14 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đưa vào dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2020 – 2025. Cùng với đó, công trình cầu Phương Tiến nối Quốc lộ 2 với các khu vực quy hoạch hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) đã được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 cho thấy những tín hiệu vui giúp tháo “nút thắt” về giao thông và hạ tầng thu hút đầu tư xây dựng cơ sở và dịch vụ phục vụ XNK hàng hóa.
Theo Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy về Tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2030, KTBM được coi là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Xét về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, hạ tầng giao thông với thị trường Hà Nội, Hà Giang được xem là vùng khó khăn, nhưng nhìn vào thị trường Trung Quốc, bằng những giải pháp đang triển khai để tháo gỡ “nút thắt” về giao thông, với vị trí tiếp giáp 2 tỉnh tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh ta có thể trở thành “tam giác vàng” trong tuyến đường vận tải, thông quan hàng hóa vào các thị trường Trung Quốc. Trong thời gian tới, khi “nút thắt” được tháo gỡ, KTBM chắc chắn sẽ “cất cánh”, trở thành ngành kinh tế trụ cột, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc