Đồng Văn chú trọng phát triển kinh tế tập thể
BHG - Việc đổi mới mô hình hoạt động và phát huy tính hiệu quả của các HTX trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, giúp cho các HTX vượt qua những khó khăn, khắc phục những yếu kém để HTX hoạt động và có những đóng góp trong phát triển khu vực kinh tế tập thể, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Nhận thức rõ vấn đề nêu trên, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gắn vai trò, trách nhiệm của từng thành viên BCĐ Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đối với việc phụ trách, giúp đỡ các HTX. Định kỳ hàng quý, thành viên BCĐ đến các HTX nắm tình hình hoạt động, kịp thời cùng Ban Giám đốc các HTX xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn và đề ra những định hướng thúc đẩy các HTX hoạt động hiệu quả. Trong năm, UBND huyện đã triển khai tổ chức các hội nghị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của huyện, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết giữa bà con nông dân với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp... thúc đẩy quá trình sản xuất, chăn nuôi gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm tiêu biểu như mật ong Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn...
Sản phẩm của HTX Lanh Sà Phìn được khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng. |
Đến này, toàn huyện có 36 tổ hợp tác, với tổng số 207 người, ước mức thu nhập bình quân đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng; tổng doanh thu năm 2019 của 36 tổ hợp tác ước đạt 2,5 tỷ đồng và có tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 12,8%. Có thể khẳng định, cơ bản các tổ hợp tác đã chuyển biến về nhận thức, đổi mới về phương thức hoạt động cũng như tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh bước đầu phát huy được vai trò của tổ chức kinh tế hợp tác. Đối với HTX, trên địa bàn huyện có 42 HTX. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp 26 HTX; lĩnh vực công nghiệp, TTCN 10 HTX; lĩnh vực thương mại và dịch vụ 4 HTX; lĩnh vực du lịch 2 HTX. Tổng số thành viên các HTX là 420 người; tổng số lao động trong 42 HTX là 502 người và đạt mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Theo số liệu tổng hợp, doanh thu của các HTX trong năm 2019 trên địa bàn huyện ước đạt 43 tỷ 480 triệu đồng. Lãi bình quân trong năm ước đạt 400 triệu đồng/HTX. Hoạt động của các HTX đã dần được củng cố, kiện toàn, quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh từng bước phát triển. Nhiều HTX tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, đầu tư có chiều sâu; từng bước phát huy vai trò trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình ở khu vực nông thôn. Tập trung đầu tư chế biến các mặt hàng nông sản để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Một số HTX nông nghiệp đã tập trung sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các thành viên HTX phát triển sản xuất hàng hóa.
Để đạt được những kết quả trên, từ năm 2015 đến nay, Đồng Văn đã tập trung vận dụng tốt các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý và thành viên HTX với tổng kinh phí 280 triệu đồng. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 HTX; 5 HTX được tiếp cận nguồn khuyến công tỉnh, huyện với tổng kinh phí 229 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển nông nghiệp hàng hóa cho 5 HTX với tổng kinh phí 5 tỷ 800 triệu đồng; hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo giới thiệu sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu với tổng kinh phí 290 triệu đồng; hỗ trợ thành lập mới 22 HTX với tổng kinh phí 660 triệu đồng; hỗ trợ máy móc, thiết bị, chế biến, đóng gói và xây dựng nhãn mác, bao bì, logo sản phẩm, từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2017 và Chương trình 30a đầu tư có thu hồi 429 triệu đồng cho 5 HTX...
Để khu vực kinh tế tập thể của huyện tiếp tục hoạt động và phát triển, huyện Đồng Văn đề ra chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể. Giới thiệu các mô hình HTX điển hình đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện; tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vận dụng tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ phát triển HTX, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế tập thể. Tư vấn cho các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện cụ thể của HTX và đặc thù của địa phương để tăng quy mô hoạt động của các HTX. Phát huy lợi thế đất đai của từng xã, thị trấn tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo sự gắn bó giữa thành viên và HTX, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển.
Bài, ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Ý kiến bạn đọc