"Mở cửa" tái cơ cấu kinh tế
BHG - Ngày 7.8.2018, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17 về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2030. Nghị quyết đã chỉ rõ 6 nút thắt, xác định 3 mục tiêu, 9 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Sau hơn một năm triển khai, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tái cơ cấu kinh tế tỉnh đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bằng những đề án, chương trình, kế hoạch để “mở cửa” tái cơ cấu nền kinh tế.
Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc cây dược liệu. |
Nghị quyết số 17 được ban hành nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và thống nhất quan điểm, định hướng hành động tháo gỡ “nút thắt”, khơi thông nguồn lực, tái cơ cấu kinh tế hiệu quả trong giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2030.
Sau hơn một năm hoạt động, BCĐ tái cơ cấu kinh tế tỉnh đã xây dựng 2 kế hoạch hành động cho những tháng cuối năm 2018 và 2019, xác định rõ nhiệm vụ, thời gian thực hiện và phân công cụ thể cho từng thành viên; phân công các nhóm hành động xây dựng kế hoạch hoạt động của từng nhóm và nhiệm vụ của từng thành viên trong nhóm, đảm bảo linh hoạt phù hợp với tính chất đặc thù về điều kiện công tác, lĩnh vực quản lý của từng thành viên. Từ đó, các nhóm đã chia nhóm/tổ chuyên đề theo dõi, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhiều báo cáo đánh giá các chương trình, kế hoạch, đề án đã được các nhóm hành động xây dựng, đề xuất BCĐ báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện nhằm tháo những “nút thắt” đã được chỉ ra trong Nghị quyết 17.
Đến nay, BCĐ tái cơ cấu kinh tế tỉnh và 5 nhóm hành động đã thực hiện tốt việc tìm giải pháp, tham mưu triển khai các nhiệm vụ: Thực hiện Chiến lược phát triển KT – XH tỉnh; triển khai các giải pháp tái cơ cấu phân bổ ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư; cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng phát triển cụm ngành du lịch, tìm giải pháp phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các nhóm đã tập trung phân tích các cấu thành giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp, để làm cơ sở kiến nghị có cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để nâng cao giá trị gia tăng đối với từng sản phẩm; xây dựng kế hoạch đột phá về ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo cho các doanh nghiệp/HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025; xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá kết quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, đề xuất giải pháp triển khai giai đoạn 2020 – 2025; rà soát và đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh…
Trong 3 trụ cột được xác định để tái cơ cấu kinh tế tỉnh gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng phát triển cụm ngành du lịch; phát triển kinh tế cửa khẩu. Các nhóm hành động chuyên đề thực hiện tốt việc tìm giải pháp tháo “nút thắt” hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt bổ sung đường cao tốc kết nối Cửa khẩu Thanh Thủy với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam; xúc tiến triển khai dự án đầu tư mở rộng mặt đường các tuyến đường quan trọng trên địa bàn tỉnh; xây dựng dự thảo Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; triển khai thí điểm sử dụng hệ thống thông tin dự án đầu tư ngoài ngân sách tại địa chỉ https://www.duandautu.hagiang.gov.vn, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ dự án đầu tư tích hợp thông tin quy hoạch để làm cơ sở dữ liệu thu hút đầu tư của tỉnh; xây dựng đề án hoàn thiện cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn năm 2020 đến năm 2025.
Không những vậy, các nhóm đã tập trung nhiên cứu, tháo gỡ điểm nghẽn, kiến tạo các nền tảng về cơ chế, chính sách thích ứng nhằm định hình và thúc đẩy sự phát triển cụm ngành du lịch; phân loại và xếp hạng tiềm năng các tài nguyên du lịch, có chính sách bảo tồn, quản lý và khai thác phù hợp; xây dựng các sản phẩm và các chuyên đề du lịch hấp dẫn, có giá trị gia tăng cao dựa trên các lợi thế về tài nguyên du lịch; tập trung phân tích, đưa ra giải pháp thực hiện chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định; tích cực nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính và cơ chế, chính sách liên quan trong việc điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu; rà soát, sáp nhập các dự án có quy mô nhỏ, không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn tại Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, Khu công nghiệp Bình Vàng tạo điều kiện thu hút, mở rộng đầu tư trong khu kinh tế tỉnh; đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế biên mậu trong giai đoạn tới…
Có thể khẳng định, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng trí tuệ, sự tâm huyết và trách nhiệm của các thành viên BCĐ và nhóm hành động, những “nút thắt” của nền kinh tế đang dần được tháo gỡ, tạo đà cho KT – XH của tỉnh phát triển, bứt phá đi lên trong những năm tới.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc