Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH
BHG - Thời gian qua, cùng với việc triển khai các chương trình vốn vay cho người dân, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quang Bình đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ T.Ư để thực hiện hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Anh Hoàng Văn Lịch (đầu tiên), thôn Nà Chõ, xã Tân Nam thoát nghèo từ nuôi trâu sinh sản. |
Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội; tính đến nay, NHCSXH huyện Quang Bình có 15 điểm giao dịch tại xã, thị trấn và 214 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với trên 8.300 lượt khách hàng vay vốn; với tổng dư nợ trên 298 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi luôn đồng hành cùng các đối tượng được hưởng thụ chính sách ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp thêm động lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống và xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Nhiều học sinh, sinh viên có thêm cơ hội được học tập tại các trường đại học, cao đẳng.
Bên cạnh với việc chú trọng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngân hàng đối với các chương trình cho vay, cách tiếp cận vốn vay đến với người dân để nguồn vốn ủy thác và huy động vốn hàng năm được giải ngân nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với định hướng phát triển KT - XH… Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Phòng giao dịch; UBND huyện đã thành lập Ban đại diện HĐQT của NHCSXH cấp huyện, xã. Các thành viên HĐQT là lãnh đạo các ban, ngành, xã, thị trấn nên đã nêu cao được trách nhiệm trong việc tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, thông qua kế hoạch kiểm tra hàng tháng, hàng quý; Ban đại diện HĐQT các cấp đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; giúp 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác và nhân dân thực hiện hiệu quả nguồn vốn CSXH.
Tân Nam là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình, với 645 hộ, 3.127 khẩu, gồm 7 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về nguồn đất đai rộng lớn phù hợp để trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc; nên đa số bà con vay vốn mua trâu nuôi sinh sản. Đồng chí Hoàng Ngọc Bền, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có 435 hộ vay vốn NHCSXH với tổng dư nợ trên 15 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, các hộ đã phát triển mạnh đàn trâu; nhà nhiều có từ 7 con trở lên, ít cũng 2 - 3 con. Với sự giám sát chặt chẽ của Ban đại diện HĐQT xã, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV không ngừng nâng cao; nhân dân đóng gốc, lãi, gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng kỳ hạn và sử dụng vốn vay đúng mục đích”.
Thôn Nà Chõ của xã Tân Nam có 38/48 hộ vay vốn NHCSXH, với dư nợ 1,4 tỷ đồng và chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo. Trước đây, người dân chỉ gửi tiết kiệm 100.000 đồng/tháng nhưng hiện có hộ gửi đến 300.000 đồng/tháng. Anh Hoàng Văn Lịch chia sẻ: “Cách đây 4 năm, tôi vay 35 triệu của NHCSXH để mua 2 con trâu sinh sản, giờ tăng đàn lên 4 con. Tận dụng đất đai sẵn có, tôi trồng thêm cỏ, dự trự rơm, ngô làm thức ăn cho trâu trong mùa Đông và tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc theo đúng định kỳ hàng năm. Hiện, giá bán trâu bình quân đạt 20 triệu đồng/con, giúp gia đình tôi có thêm đồng vốn để mở rộng chăn nuôi, sản xuất”.
Với những kết quả đạt được, năm 2020, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quang Bình sẽ tập trung bám sát cơ sở để thực hiện chính sách tín dụng của nhà nước hiệu quả cao hơn nữa; để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện nâng cao đời sống.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc