Bắc Quang có trên 370 ha cây dược liệu
BHG - Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Quang đang thực hiện duy trì, chăm sóc, khai thác sử dụng 376,2 ha cây dược liệu. Bao gồm các loại cây ưu tiên phát triển của huyện như lá Khôi, Thảo quả, Ba kích, Hà thủ ô, Tam thất và một số cây dược liệu khác, như: Nghệ, Sâm ngọt, Hoàng tinh, Viễn chi…
Phụ nữ Dao thôn Tân Sơn (thị trấn Việt Quang) khai thác lá Khôi để làm thuốc. |
Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển cây dược liệu của tỉnh, huyện Bắc Quang đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển cây dược liệu; trồng dược liệu theo quy trình kỹ thuật; thực hiện thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng giống phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết của địa phương. Mặt khác, tập trung phát triển các chủng loại dược liệu hàng hóa dưới tán rừng, nhất là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với các tiểu vùng khí hậu như lá Khôi, Thảo quả, Ba kích. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác hỗ trợ, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hộ dân tham gia trồng cây dược liệu. Đặc biệt, chính quyền huyện còn có cơ chế, chính sách ưu tiên các dự án nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc (GACP - WHO) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tạo điều kiện ưu tiên về quỹ đất sạch cho xây dựng các nhà máy dược và bố trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu…
Hiện nay, huyện Bắc Quang đang triển khai Đề án Trồng cây dược liệu tại Làng văn hóa Du lịch tiêu biểu gắn với phát triển dược liệu thôn Tân Sơn (thị trấn Việt Quang) với quy mô 2 ha, gồm cây lá Khôi, Giảo cổ lam và Quế.
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc