Nâng tầm giá trị chè Hà Giang
BHG - Là một trong những địa phương có diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, hữu cơ) lớn nhất cả nước; chè Hà Giang từ lâu đã nức tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tiếp tục nâng tầm giá trị sản phẩm chè, ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp tập trung đầu tư, phát triển vùng chè theo tiêu chuẩn GAP.
Người dân xã Tân Bắc (Quang Bình) thu hái chè VietGAP. |
Theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, chè được xác định là một trong các cây trồng chủ lực giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Để định hướng và phát triển cây chè bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo phân tích và chiến lược phát triển chuỗi giá trị chè Hà Giang giai đoạn 2017 – 2019 với tổng kinh phí thực hiện gần 57 tỷ đồng. Mục tiêu tổ chức sản xuất và nâng cấp xây dựng các mối liên kết phát triển chuỗi giá trị chè Shan tuyết Hà Giang nhằm cải thiện thu nhập cho người dân. Xây dựng các nhóm sở thích, đảm bảo người dân được tham gia liên kết với các cơ sở chế biến chè bền vững; nâng cấp và mở rộng quy mô dây chuyền chế biến chè ra sản phẩm cuối cùng có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng bảo quản, sơ chế cho các cơ sở chế biến.
Ngày 7.9.2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 219/KH – UBND triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên diện tích chè giai đoạn 2016 – 2020 nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị các sản phẩm chè Hà Giang. Triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn GAP được 8.747 ha chè/66 vùng chè nguyên liệu với 9.813 hộ tham gia; trong đó, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP 3.230,4 ha, chè hữu cơ 5.516,6 ha, đạt 60% kế hoạch, chiếm 40,3% diện tích chè toàn tỉnh và chiếm 45,1% diện tích chè đã cho thu hoạch. Chè Shan tuyết Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý tại vùng sản xuất và chế biến chè Shan tuyết tại Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang.
Trước đây, việc tổ chức sản xuất và kinh doanh chè chủ yếu theo hình thức nông hộ nhỏ lẻ, dựa vào kinh nghiệm, trình độ chuyên môn không cao, năng suất thấp. Nhưng hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo hình thức liên kết giữa người dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã liên kết 3.984 hộ trồng chè riêng lẻ, manh mún tham gia thành lập 36 cơ sở sản xuất chè VietGAP gồm các tổ sản xuất và hợp tác xã; liên kết 5.829 hộ trồng chè với 23 cơ sở chế biến chè hưu cơ. Nông dân trồng chè từ chỗ sản xuất lạc hậu, phun thuốc theo cảm tính, đã được tập huấn, tư vấn, ghi chép lịch sử sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc “4 đúng”, cung ứng các loại thuốc BVTV được phép sử dụng trên chè khi đến ngưỡng phải phun trừ, đảm bảo thời gian cách ly. Các cơ sở chế biến chè đã ký kết hợp đồng với người trồng chè thực hiện việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, cấp chứng nhận và duy trì sản xuất hữu cơ tại các vùng đã được cấp chứng nhận GAP. Người trồng chè sau khi được tư vấn, tập huấn và cấp giấy chứng nhận GAP đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn thực phẩm (ATTP), gắn kết vùng nguyên liệu chè an toàn với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến.
Hiện, toàn tỉnh có 29 cơ sở chế biến được cấp chứng nhận VietGAP đăng ký tiếp tục duy trì sản xuất chè VietGAP tại những vùng nguyên liệu đã được chứng nhận. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ATTP tiên tiến như: HACCP, ISO để sản xuất ra các sản phẩm chè được chế biến sâu, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và có giá trị ngày càng cao. Tiêu biểu như: HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, kho bảo quản sản phẩm và máy móc công nghệ chế biến chè Shan tuyết cổ thụ; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Quang Bình (Quang Bình) liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh, chế biến chuỗi cung cấp nông sản hữu cơ chè – gừng; HTX Thương mại vận tải Tuấn Băng (Xín Mần) mở rộng và nâng cấp nhà xưởng, đầu tư mới trang thiết bị công nghệ chế biến; Công ty TNHH Long Trà, Công ty TNHH chè Thành Sơn, Công ty chè Biên Cương… từng bước hiện đại hóa trong dây chuyền sản xuất, đóng gói sản phẩm.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Phương án 36/PA-UBND về việc duy trì sản xuất cam VietGAP, chè GAP ở những vùng đã cấp chứng nhận gắn với phân giao vùng nguyên liệu cho cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2020. Mục tiêu là duy trì diện tích sản xuất chè GAP ở những vùng đã cấp chứng nhận gắn với phân giao triệt để vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, HTX đầu mối để thực hiện liên kết với người sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm; góp phần giữ vững uy tín, thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh; đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất chè đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy trình VietGAP (từ 31.12.2017 trở về trước) tiếp tục duy trì sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP.
Để thực hiện tốt phương án, các địa phương và ngành chức năng sẽ tổ chức tập huấn kiến thức mới theo tiêu chuẩn VietGAP các cơ sở sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát; rà soát, lựa chọn những vùng, diện tích chè đã được cấp chứng nhận VietGAP, có đủ điều kiện để chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cơ sở chế biến về khai thác nguyên liệu trong vùng được chỉ dẫn địa lý; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Với việc đẩy mạnh sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất theo chuỗi giá trị và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến, các sản phẩm chè Hà Giang không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc