Hoàng Su Phì - những "điểm nghẽn" trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa
BHG - Vận dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách của tỉnh; huyện Hoàng Su Phì đã mạnh dạn đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi dựa trên thế mạnh của địa phương để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng thời, lựa chọn cây, con đặc sản theo vùng để phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế nên chưa thể hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung…
Trang trại nuôi gà của ông Phan Hữu Tụ, thị trấn Vinh Quang. |
Nhiều chính sách hỗ trợ
Trên cơ sở các đề án, kế hoạch, chương trình phát triển nông nghiệp trọng tâm của tỉnh; huyện Hoàng Su Phì đã ban hành nhiều phương án, kế hoạch triển khai đồng bộ các chương trình trọng tâm về nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể năm 2016, huyện ban hành 8 kế hoạch; năm 2017, ban hành 4 kế hoạch; năm 2018, ban hành 12 kế hoạch; năm 2019, ban hành 7 kế hoạch và được tập trung vào các nội dung khuyến khích phát triển sản xuất như: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm; thực hiện xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp; triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm; tái cơ cấu ngành chè; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đột phá về ứng dụng KHKT và đưa công nghệ vào sản xuất…
Những chủ trương, chính sách hỗ trợ này đã trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa ở địa phương; đồng thời khuyến khích các hộ nông dân, HTX mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, giống mới vào sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Với các chính sách hỗ trợ kịp thời, năm 2018, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác của huyện đạt 48,1 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi ngành Nông nghiệp đạt 28%. Huyện đã tập trung phát triển một số cây, con thế mạnh như: Chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Là cây “mũi nhọn” của huyện, cây chè đã từng bước hướng đến sản xuất tập trung hàng hóa, với tổng diện tích trên 4.600 ha, huyện đã tập trung nhiều giải pháp để tái cơ cấu ngành chè; trong đó, chú trọng quy hoạch lại vùng trồng, thu mua và chế biến chè trọng điểm. Đồng thời tạm giao vùng nguyên liệu cơ bản cho các doanh nghiệp, HTX nhằm tạo ra các chuỗi giá trị liên kết từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Để tạo sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, HTX và người dân; UBND huyện đã chỉ đạo các xã vùng chè, quy hoạch và phân vùng nguyên liệu cho 7 HTX, 153 cơ sở chế biến trên địa bàn; nhờ vậy, giá chè được các xưởng thu mua ổn định. Các cơ sở sản xuất, chế biến chè cũng từng bước chú trọng xây dựng mẫu mã bao bì, sản phẩm và đăng ký thương hiệu. Trong đó, sản phẩm Fìn Hò trà của HTX chế biến chè Phìn Hồ đã xuất bán sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga…
Bên cạnh cây chè, ngành chăn nuôi của huyện cũng từng bước “tiệm cận” đến sản xuất hàng hóa. Tổng đàn trâu, bò của huyện đến nay là trên 30.800 con, tăng gần 4.000 con so với năm 2015. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt năm 2019 là 573,5 tấn. Thực hiện phương án hỗ trợ sản xuất, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí mua 300 con bò giống cho các hộ nghèo; chỉ đạo thực hiện 24 mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Đến nay, toàn huyện có 34 gia trại và 2 trang trại. Trong đó có 2 trang trại gia cầm; 6 gia trại trâu, bò; 17 gia trại lợn; 7 gia trại dê, 2 gia trại gia cầm.
Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm đến nay, huyện đã đăng ký 52 sản phẩm tham gia đề án; trong đó, có 19 sản phẩm đã có sản phẩm, còn lại là các ý tưởng sản phẩm mới. Qua quá trình thẩm định, có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và có thể phát triển lên 4 sao; 10 sản phẩm 2 sao có thể phát triển lên 3 sao. Các sản phẩm tập trung vào 6 nhóm thế mạnh của địa phương gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn.
Những vấn đề đặt ra
Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu khá khả quan, nhưng để hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thì huyện Hoàng Su Phì vẫn còn nhiều việc phải làm. Với xuất phát điểm là một huyện biên giới, điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy sản xuất của đại bộ phận nông dân. Nhiều hộ vẫn quen với tập quán sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất hàng hóa. Thực hiện các chính sách Nghị quyết 209, Nghị quyết 86 và Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh; đến nay, đã gần 4 năm triển khai, toàn huyện mới có 513 hộ đăng ký vay vốn. Trong đó, có 506 hộ đủ điều kiện vay với số tiền giải ngân trên 40 tỷ đồng; một con số khá khiêm tốn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Bên cạnh việc cần đổi mới tư duy sản xuất cho nông dân, thì thị trường tiêu thụ thường không ổn định, do chưa hình thành được mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang là khó khăn của huyện. Ngoài sản phẩm chè thì các sản phẩm cây, con thế mạnh khác của địa phương mới chỉ dừng lại ở mức chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, do thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên dễ xảy ra tình trạng được mùa, mất giá; ảnh hưởng đến giá trị kinh tế của cây trồng, vật nuôi cũng như tâm lý sản xuất của người dân.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của người dân. Bên cạnh thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ thực hiện ít, trình độ của người dân không đồng đều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn cũng khiến việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vụ Xuân năm 2019, toàn huyện mới thực hiện được 2 cánh đồng mẫu lúa với diện tích 8,5 ha, 3 cánh đồng mẫu ngô với diện tích 13 ha, 1 cánh đồng mẫu đậu tương với diện tích 3 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân vẫn theo tập quán cũ, ít đầu tư chuồng trại, máy móc, thiết bị phục vụ trong chăn nuôi nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng vật nuôi.
Cùng với những khó khăn trên, việc xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể còn hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, xa các trung tâm kinh tế, thương mại lớn nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…, đây chính là những khó khăn cho việc hình thành sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Hoàng Su Phì.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc