Yên Minh phát huy giá trị các sản phẩm chủ lực
BHG - Huyện Yên Minh có 18 xã, thị trấn với nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương đã và đang dần khẳng định được thương hiệu. Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đang vận dụng linh hoạt, tận dụng nguồn lực hỗ trợ để phát huy giá trị và xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực.
Sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX Hoa Bạc hà, thị trấn Yên Minh được đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. |
Đề án OCOP được tỉnh triển khai từ năm 2018 và lựa chọn huyện Quản Bạ thực hiện thí điểm; từ đó, rút kinh nghiệm triển khai trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, để chủ động thực hiện, năm 2018, huyện Yên Minh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương rà soát và lựa chọn các sản phẩm đã có và có tiềm năng để xây dựng lộ trình hỗ trợ phát triển theo mục tiêu, định hướng của Đề án OCOP.
Năm 2019, thực hiện Đề án OCOP, huyện Yên Minh xác định 8 sản phẩm đã có thương hiệu, đang được các chủ thể quan tâm để hỗ trợ nâng cấp, đẩy mạnh phát triển hơn nữa, gồm: Hồng không hạt Na Khê; Xoài Yên Minh; gạo chất lượng cao; thịt trâu, bò khô; mật ong Bạc hà; rượu ngô men lá; chè Shan tuyết và Thảo quả. Trong đó, 3 sản phẩm được lựa chọn sẽ tham gia thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh là: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết và gạo chất lượng cao.
Cùng với các sản phẩm trên, huyện xác định 4 sản phẩm phát triển mới là: Bột ớt Cao nguyên đá; vải lanh; Lê đường địa phương; xây dựng 1 làng văn hóa tiêu biểu, gắn với phát triển cây dược liệu tại thôn Cốc Pảng, xã Du Già. Đồng thời lựa chọn 7 sản phẩm mở rộng triển khai trong những năm tiếp theo, gồm: Lợn đen địa phương; gà trống thiến; vịt bầu cổ ngắn; cá chép ruộng; xôi ngũ sắc; Sa nhân tím và Nghệ.
Thực hiện các mục tiêu đặt ra, đối với các sản phẩm thực hiện nâng cấp trong năm 2019, huyện Yên Minh đã nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu của sản phẩm Hồng không hạt, đồng thời đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu sản phẩm “Hồng không hạt Na Khê”; xây dựng kế hoạch hỗ trợ công nghệ chế biến quả Hồng không hạt khô cho các HTX. Sản phẩm xoài Yên Minh cũng đã được trồng mới trên 25 ha để mở rộng vùng nguyên liệu và đang thực hiện các bước xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển. Riêng sản phẩm mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết đã xây dựng được mẫu mã, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nâng cấp bao bì, hướng dẫn quy trình chế biến nâng cao chất lượng. Các sản phẩm khác hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm và tem, nhãn truy xuất nguồn gốc.
Đối với các sản phẩm phát triển mới trong năm nay, huyện hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn thiện thủ tục đăng ký ý tưởng sản phẩm OCOP, đồng thời xây dựng chương trình, đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu. Những sản phẩm mở rộng thực hiện những năm tới, UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn và các địa phương từng bước hoàn thiện sản phẩm để đánh giá, đưa vào lộ trình chuẩn hóa. Đồng thời sử dụng các nguồn vốn từ Chương trình 135, 30a hỗ trợ mở rộng vùng nguyên liệu…
Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh Nguyễn Văn Quốc cho biết: Thời gian qua, huyện chú trọng nâng cao nhận thức cho các cán bộ quản lý, các chủ thể sản xuất và nhân dân về Đề án OCOP; mở rộng vùng nguyên liệu cho các chủ thể sản xuất bởi phần lớn các sản phẩm chưa được sản xuất quy mô đủ lớn, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đồng thời tập trung xây dựng nhãn hiệu và nâng cao chất lượng các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đã khẳng định thương hiệu và đang được các chủ thể quan tâm đầu tư. Những bước triển khai vừa qua đã cho những kết quả ban đầu, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành trên địa bàn huyện; những cơ chế, chính sách từ Đề án đã khuyến khích, tạo động lực lớn cho các chủ thể phát triển sản phẩm.
Năm 2019, huyện Yên Minh được cấp gần 2,9 tỷ đồng thực hiện Đề án OCOP. Huyện đã và đang thực hiện thủ tục phân bổ trên 2,6 tỷ đồng cho phát triển, hoàn thiện sản phẩm; bố trí 230 triệu đồng tổ chức các hội nghị đánh giá, khảo sát sản phẩm, mở các lớp tập huấn, đào tạo và thuê chuyên gia tư vấn thực hiện Đề án. Hiện nay các cấp, ngành của huyện đang hỗ trợ các chủ thể thực hiện Đề án OCOP chuẩn bị sản phẩm và các thủ tục tham dự cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP sẽ được huyện triển khai cuối năm nay. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp xác định tổng thể chất lượng, mẫu mã, giá trị các sản phẩm từ đó có kế hoạch tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc