Trăn trở đầu ra cho cây dược liệu
BHG - Dược liệu là cây trồng quý, mang lại hiệu quả kinh tế cao; trong những năm qua, huyện Quản Bạ đã trở thành trung tâm trồng dược liệu của tỉnh. Thế nhưng, từ việc không ngừng tăng diện tích, người sản xuất dược liệu lại khá bấp bênh trong việc tìm đầu ra; đây chính là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương.
Gia đình anh Vàng Thìn Nghì, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thu hoạch cây Đương quy. |
Được biết đến với cảnh đẹp thiên nhiên và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng các loại dược liệu quý. Hiện nay, diện tích dược liệu trên địa bàn huyện Quản Bạ là 2.900 ha; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.533 ha. Với nhiều nỗ lực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, các công ty, HTX và người dân đã gieo trồng nhiều loại dược liệu như: Công ty Cổ phần thương mại phát triển nông, lâm nghiệp Bình Minh 3 trồng được 10 ha; Công ty Cổ phần Anvy Hà Giang trồng hơn 5 ha; các HTX phát triển dược liệu trồng gần 11 ha; nhân dân trồng 341 ha. Để việc sản xuất đi vào bài bản, đúng kỹ thuật; chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc tập huấn, hướng dẫn người dân lựa chọn giống có chất lượng để gieo trồng. Tổ chức tuyên truyền thu hái gắn với bảo tồn các loại cây dược liệu trong tự nhiên có nguy cơ mai một, như: Giảo cổ lam, Hà thủ ô, Nấm ngọc cẩu... Đồng thời, trồng mới và bảo tồn tại nơi thu hoạch xung quanh vườn nhà, bờ rào, nương.
Đến nay, hệ thống nhà xưởng và máy móc, thiết bị sản xuất của một số đơn vị tương đối được đồng bộ. Các công ty, HTX đã chế biến trên 30 sản phẩm dược liệu; trong đó, công bố hợp quy được 9 sản phẩm, gồm: Trà gừng Cao nguyên đá, nước tắm thảo dược, thảo dược ngâm chân, Cao Atiso và 5 sản phẩm tinh dầu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm và tích cực triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2019, huyện Quản Bạ tập trung hỗ trợ máy móc, thiết bị, tem truy xuất nguồn gốc để hoàn thiện thêm 23 sản phẩm dược liệu. Từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn khoảng 74,6 tỷ đồng. Phát triển dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 2.000 hộ với hơn 5.000 lao động.
Tuy nhiên, việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dược liệu, để cây dược liệu “đứng vững” trên thị trường vẫn còn là bài toán nan giải. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành cho biết: Hiện nay, trên thị trường có nhiều mặt hàng tương đồng về chủng loại, chức năng dược lý, giá cả cạnh tranh… Trong khi những năm qua, huyện luôn chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến bất thường gây thiệt hại về mùa màng. Chi phí đầu vào trong sản xuất, chế biến cao, nhân công chăm sóc trên một đơn vị diện tích nhiều trong khi đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng so với yêu cầu sản xuất, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn. Việc phát triển cây dược liệu không tương xứng với tiềm năng địa phương, không chủ động được nguồn giống để cung ứng cho các HTX, hộ dân. Mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu chưa bền vững. Công nghệ sản xuất, chế biến dược liệu thô sơ, chi phí sản xuất lớn, số lượng sản phẩm ít; nhiều sản phẩm chưa được công bố hợp quy. Một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn, công tác marketing còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, huyện Quản Bạ vẫn xác định vai trò của các doanh nghiệp, nhà khoa học là then chốt trong việc phát triển sản xuất dược liệu. Do đó, huyện tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa nhà nước - người dân - doanh nghiệp; giải quyết hài hòa lợi ích giữa các chủ thể để đầu tư cùng phát triển. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm. Chỉ đạo làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu. Phát triển, hoàn thiện các sản phẩm dược liệu gắn với Đề án OCOP. Đẩy mạnh việc phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc