Thượng Bình đưa cây tỏi trở thành sản phẩm hàng hóa
BHG - Cây tỏi ta trên đất Nặm Pạu, xã Thượng Bình (Bắc Quang) được nhân dân đưa vào trồng từ xa xưa, nhưng đến nay mới trở thành sản phẩm hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập cho bà con.
Bà Ma Thị Việt (bên phải) chia sẻ những khó khăn về đầu ra sản phẩm. |
Nặm Pạu là thôn có diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm tương đối lớn của xã Thượng Bình, với trên 30 ha. Những năm trước, sau vụ thu hoạch lúa Hè - thu, nông dân tập trung làm đất trồng cây vụ Đông, nhưng đa số trồng ngô, lạc, chỉ ít hộ trồng tỏi. Qua nhiều năm trồng tỏi, người dân tích lũy được kinh nghiệm làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên cây tỏi phát triển ổn định. Nhận thấy hiệu quả bước đầu, năm 2018, xã xây dựng mô hình trồng tỏi tại 4 hộ trong thôn, quy mô 4.000 m2; tỷ lệ sống đạt 95%, lá xanh đậm, to đều, ít nhiễm bệnh, dễ chăm sóc; củ tỏi cho hương vị rất thơm, đường kính đạt 2 - 2,5 cm; năng suất thu hoạch đạt 400 kg/1.000 m2.
Cây tỏi được trồng nhiều tại thôn Nặm Pạu. |
Là người lâu năm gắn bó với nghề trồng tỏi, bà Ma Thị Việt cho biết: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã theo bố mẹ ra ruộng trồng tỏi. Người dân nơi đây có thói quen dùng tỏi trong bữa ăn hàng ngày để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ruộng đồng Nặm Pạu nằm dọc suối Sảo, đất pha cát, độ tơi xốp cao, cây tỏi rất ưa và dễ thích nghi. Sau mỗi vụ thu hoạch, tôi cẩn thận chọn những nhánh tỏi đảm bảo chất lượng để làm giống. Tỏi thường được trồng vào tháng 10 dương lịch, thời gian sinh trưởng kéo dài 120 - 130 ngày. So với những cây trồng ngắn ngày, tỏi không khó chăm sóc, chỉ cần dùng phân chuồng bón lót trước khi trồng và làm cỏ 2 lần. Tuy nhiên, nếu mưa nhiều, đất có độ ẩm quá cao, cây tỏi sẽ bị lụi dần. Nhà tôi trồng 400 m2, thu được hơn 100 kg tỏi khô, giá bán trung bình khoảng 70.000 đồng/kg”.
Mặc dù tỏi ta luôn được đánh giá chất lượng vượt trội, nhưng bà Việt cũng như các hộ trồng tỏi bày tỏ nỗi băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm. Hiện, giá bán tỏi ta cao hơn so với các loại tỏi có mặt trên thị trường nên tiểu thương không mặn mà. Bà con đều cho rằng, tỏi là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng chưa dám mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất. Người dân mong muốn cấp ủy, chính quyền xã có những giải pháp cụ thể, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm duy trì cây tỏi.
Qua trao đổi, đồng chí Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Thượng Bình cho biết: “Nhờ cây tỏi, đời sống người dân thôn Nặm Pạu ngày càng khấm khá. Dựa vào kết quả đánh giá của mô hình; năm 2019, xã triển khai trồng 2 ha tỏi tại thôn Nặm Pạu gắn với thực hiện cơ chế đầu tư tái thu hồi, nhằm đẩy mạnh sản xuất vụ Đông theo phương châm thâm canh đúng kỹ thuật, thời vụ; chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc