Quang Bình, đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
BHG - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động; tạo thêm nhiều việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Mô hình nhà lưới trồng rau an toàn của gia đình anh Hoàng Viễn Tưởng, thôn Chang, xã Xuân Giang. |
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, huyện đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động trên địa bàn; từ đó, mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và nhu cầu của người học. Đồng thời, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển KT - XH của các xã, thị trấn. Một trong những cách làm mang lại hiệu quả là việc thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân; nhất ở các xã vùng sâu, vùng xa. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở 20 lớp đào tạo nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho 645 học viên; phối hợp mở 2 lớp đào tạo nghề theo hình thức đặt hàng cho 67 học viên. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn những kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; sửa chữa máy móc nông nghiệp..., nhằm nâng cao trình độ cho lao động nông thôn. Từ đó, thúc đẩy việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả; đến nay, có hơn 85% lao động ở nông thôn sau học nghề đã có việc làm. Anh Hoàng Viễn Tưởng, thôn Chang, xã Xuân Giang cho hay: “Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 1.000 m2 đất trồng lúa sang làm nhà lưới trồng rau sạch an toàn; cùng đó, gia đình phát triển chăn nuôi gần 700 con gà, vịt; thu nhập mỗi năm được hơn 100 triệu đồng”.
Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quang Bình, Bùi Xuân Hải cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 3.150/1.500 người (đạt 210% kế hoạch). Trong đó, có 2.250 lao động đi làm việc ngoài tỉnh; gần 900 lao động được tạo việc làm tại địa phương; 2 người đi xuất khẩu lao động. Hầu hết người lao động đi làm việc ngoài tỉnh đều có việc làm ổn định với mức thu nhập hàng tháng từ 4,5 – 8 triệu đồng. Đồng thời, huyện cũng giải ngân nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ cho 57 dự án, với kinh phí 2,1 tỷ đồng; hỗ trợ giải quyết việc làm cho 114 người; tổng dư nợ đến 31.8.2019 là 7,8 tỷ đồng/269 dự án.
Cùng với đó, huyện thực hiện phân luồng tuyên truyền, tuyển dụng lao động xuất khẩu cho các doanh nghiệp được sự chấp thuận của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm; phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tuyên truyền, tuyển lao động đi đào tạo nghề và bố trí việc làm tại các xã, thị trấn. Thực hiện thẩm định 137 hồ sơ hỗ trợ tiền ăn, vé xe cho các đối tượng lao động đi làm việc ngoài tỉnh với kinh phí gần 500 triệu đồng.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn; cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhu cầu tuyển dụng, cử lao động đi đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của các đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc