Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Nông thôn mới
BHG - Những con đường bê tông nội thôn nối dài, những bản làng đã khoác lên mình diện mạo mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao… Đó chính là kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về công tác lãnh, chỉ đạo trong quá trình xây dựng NTM, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
P/v: Thưa đồng chí, sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, tỉnh ta đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Năm 2011, khi bước vào xây đựng NTM, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí; đến năm 2015 đạt 6,1 tiêu chí và đến 30.6.2019 đạt 10,3 tiêu chí; không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Hiện, tỉnh ta có 33 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến hết năm 2019 có thêm 5 xã đạt chuẩn và không còn xã dưới 7 tiêu chí. Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh giảm được 32.368 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,8% xuống còn 18,10%; giai đoạn 2016 – 2018, giảm được 18.230 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31,17%. Toàn tỉnh đã nâng cấp, làm mới 5.923 km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp 1.398 phòng học; xây mới 774 nhà văn hóa thôn; bó láng nền nhà, xây dựng công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước cho hàng chục nghìn hộ dân; các phong trào thi đua xây dựng NTM phát triển rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ; xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả. Thành phố Hà Giang có 100% các xã đạt chuẩn NTM; hiện đang tích cực triển khai giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí, lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành xây dựng NTM.
Đạt kết quả trên, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, tỉnh xác định việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và văn bản hướng dẫn là nhiệm vụ quan trọng; thành lập BCĐ và cơ quan tham mưu giúp việc thực hiện chương trình từ tỉnh đến cơ sở. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về định mức hỗ ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng NTM giai đoạn 2013 – 2020; UBND tỉnh ban hành các quyết định quy định về quản lý, lập dự toán, thanh toán, quyết toán các công trình NTM; quản lý Qũy phát triển địa phương; thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với 1 số công trình được áp dụng cơ chế đặc thù.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành các đề án như: Đề án số 1133 thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014 – 2016; Đề án 1 triệu tấn xi măng; Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Đề án mỗi xã 1 sản phẩm; Bộ tiêu chí xã NTM phù hợp với các vùng của tỉnh… Các chủ trương, chính sách mang tính đặc thù, đột phá được ban hành kịp thời, tạo cơ sở pháp lý, định hướng trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình một cách kịp thời, hiệu quả; huy động được nguồn lực xã hội; xác lập vị thế và nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức thực hiện.
P/v: Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò lãnh, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành trong xây dựng NTM?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Chủ trương xây dựng NTM được BCĐ các cấp triển khai quyết liệt. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, BCH Đảng bộ tỉnh khóa khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng NTM đến năm 2020; HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách và quyết định các giải pháp tổ chức thực hiện; hàng năm, đều tổ chức giám sát chuyên đề; UBND tỉnh chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện, giao nhiệm vụ phụ trách xã phấn đấu đạt chuẩn cho đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện trong các phiên họp thường kỳ hàng tháng. Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội luôn xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các tiêu chí do ngành phụ trách.
Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giai đoạn 2011 – 2015, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng BCĐ xây dựng NTM; giai đoạn 2016 – 2020, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng BCĐ các chương trình MTQG của tỉnh. 100% BCĐ xây dựng NTM cấp huyện, thành phố và cấp xã đều do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban. Mỗi xã bố trí 1 công chức chuyên trách về xây dựng NTM; các thôn đều thành lập Ban phát triển thôn... Hoạt động của BCĐ và các thành viên đi vào nề nếp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
P/v: Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì sự vào cuộc của người dân trên địa bàn tỉnh cho công cuộc xây dựng NTM như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, tỉnh xác định, người dân là đối tượng được hưởng lợi và là chủ thể trực tiếp. Các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ, hiểu sâu về xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân quản lý, dân hưởng lợi”; phát huy sức mạnh tổng hợp trong nhân dân và người dân cùng vào cuộc quyết liệt. Nhờ vậy, những năm qua, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng NTM; đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, vật liệu xây dựng… xây dựng cơ sở hạ tầng. Gần 10 năm thực hiện, toàn tỉnh huy động nguồn vốn đầu tư cho chương trình được trên 8 nghìn tỷ đồng; trong đó, cộng đồng dân cư đóng góp trên 1 nghìn tỷ đồng; xã hội hóa trên 990 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 3 triệu m2 đất, trên 2,9 triệu ngày công.
P/v: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng NTM trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Năm 2020, tỉnh ta phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 43; không còn xã dưới 9 tiêu chí. Giai đoạn 2021 – 2025, xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Các xã chưa đạt chuẩn phải phấn đấu đạt chuẩn; xã đã đạt chuẩn phải xây dựng thành xã đạt chuẩn nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu tới năm 2025, toàn tỉnh có 50 xã trở lên đạt chuẩn NTM; bình quân đạt trên 14 tiêu chí/xã; có từ 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 - 35 triệu đồng/năm; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh ta tiếp tục kiện toàn bộ máy giúp việc cho BCĐ các cấp đảm bảo đủ năng lực, trình độ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu; tiếp tục nâng cao và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức thực hiện. Các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn phải gắn chặt với xây dựng NTM để huy động, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án; tập trung giải quyết, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản giai đoạn đầu. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan ở tất cả các xã, làm cơ sở quản lý và thực hiện quy hoạch; tiếp tục thực hiện nội dung các tiêu chí NTM với lộ trình hợp lý, bảo đảm vững chắc, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân. Phát huy nội lực, tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, người dân trong các hoạt động ở cơ sở, đảm bảo tính bền vững lâu dài cho chương trình.
P/v: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
BIỆN LUÂN (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc