Mô hình chế biến dầu lạc theo chuỗi giá trị của HTX Tuyên Gấm
BHG - Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể của huyện Bắc Quang đã có những chuyển biến căn bản về chất lượng hoạt động. Để có được nhận định trên là nhờ huyện đã chú trọng xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể làm nền tảng trong định hướng đầu tư phát triển. Nhờ đó, các HTX được đầu tư đúng hướng; các ngành sản xuất, kinh doanh có những bước phát triển bền vững. Trong đó, thành công nổi bật của huyện là xây dựng thành công mô hình chế biến nông sản của HTX Tuyên Gấm – mô hình chế biến sản phẩm từ cây lạc theo chuỗi giá trị và là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX và người dân trong vùng.
HTX Tuyên Gấm đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc. |
Được biết, hiệu quả kinh tế từ cây lạc đem lại; giờ đây đã được huyện Bắc Quang cũng như bà con nông dân nhiều xã coi cây lạc là cây kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Toàn huyện hiện có tới 2.614 ha lạc và được trồng ở hầu hết các xã; nhưng tập trung nhiều nhất tại 2 xã Đồng Yên, Vĩnh Phúc. Xác định rõ tiềm năng thế mạnh của vùng, huyện đã xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển mạnh cây lạc trở thành cây kinh tế mũi nhọn; nhưng do quy mô sản xuất của bà trước đây còn nhỏ lẻ nên sản sản lượng thấp, sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn cơ bản là lạc nhân hoặc củ. Nhận thức rõ vấn đề của thị trường sản phẩm lạc và được sự tiếp sức của huyện bằng những cơ chế chính sách; HTX Tuyên Gấm đã chủ động đầu tư chuyên sâu về lĩnh vực chế biến thực phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn cho cộng đồng, vừa góp phần liên kết phân phối sản phẩm trên thị trường và giúp người dân trong huyện tiêu thụ sản phẩm lạc bền vững. Khi phương án sản xuất kinh doanh được các thành viên HTX thông qua, Ban Giám đốc HTX đã nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời lấy tiêu chí vì sức khỏe của người tiêu dùng là mục tiêu trong chế biến nông sản.
Sản phẩm dầu lạc của HTX Tuyên Gấm. |
Năm 2018, doanh thu của HTX đạt 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận thu được là 240 triệu đồng; nộp ngân sách nhà nước 35 triệu đồng và thu nhập bình quân của thành viên HTX là 5 triệu đồng/tháng. Vụ Mùa năm 2019, HTX thu mua được 18 tấn lạc tươi và chế biến được 12.000 lít dầu lạc. Sau hơn 2 năm hoạt động, với sự quyết tâm tìm tòi học hỏi; cùng với sự năng động của Ban điều hành, HTX đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như: Máy sấy, máy ép dầu lạc với công suất lớn, mở rộng nhà xưởng với số tiền đầu tư là 1,2 tỷ đồng, huy động thêm thành viên tham gia HTX. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cũng là yếu tố luôn được HTX coi trọng; vì đây, chính là sợi dây gắn kết tạo niềm tin giữa HTX với khách hàng khi sử dùng sản phẩm của HTX. Sản xuất kinh doanh hiệu quả, số thành viên HTX tăng lên từ 7 người lên đến 13 người; thu nhập nay tăng lên 5,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, HTX còn bổ sung thêm nhiều lao động thời vụ; hiện, HTX tiếp tục khai thác và mở rộng thị trường nhằm tăng cả sức mua và tiêu thụ sản phẩm.
Anh Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc HTX trao đổi về phương hướng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới: Căn cứ tiềm năng vùng nguyên liệu của huyện, HTX tiếp tục ký hợp đồng thu mua nguyên liệu lâu dài với các hộ trồng lạc đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thị trấn Việt Quang, xã Tân Lập, Vĩnh Hảo, Đông Thành; nhằm cung cấp ổn định cho hoạt động sản xuất của đơn vị. Tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị, máy móc sản xuất chế biến dầu lạc với công suất khoảng 15.000 lít/năm, bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm vào các thị trường lớn ngoài tỉnh; nâng cao năng lực hoạt động sản xuất cho đội ngũ quản lý, Ban điều hành HTX.
Với bước đi vững chắc của mình, HTX Tuyên Gấm đã trở thành mắt xích quan trọng trong việc tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm hàng hóa nông sản của huyện Bắc Quang. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã đóng góp không nhỏ trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nâng cao giá trị hàng hóa nông sản của bà con nông dân trên địa bàn. Đặc biệt, góp phần mạnh mẽ làm thay thay đổi ý thức sản xuất, canh tác manh mún nhỏ lẻ của người dân; Qua đó, tạo điều kiện cho người dân an tâm trồng, chăm sóc và phát triển vùng lạc nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho lao động và hướng phát triển kinh tế bền vững; góp phần xoá đói, giảm nghèo tại địa phương.
Bài, ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Ý kiến bạn đọc